OBD-II đem lại cho những người sử dụng ô tô nhiều chức năng hữu ích như chẩn đoán lỗi, theo dõi tình trạng xe, cung cấp thông tin, gắn được phụ kiện…
OBD là gì?
Đây là 3 ký tự viết tắt của cụm từ On-Board Diagnostics (hệ thống tự chẩn đoán lỗi) trên xe hơi. Những mẫu xe nào có trang bị OBD tức là đều có khả năng đọc thông số xe, giám sát hoạt động của các bộ phận quan trọng trên xe và cung cấp những thông tin này đến cho người dùng, nếu cần thiết.
Ban đầu, OBD được tạo ra để giúp các kỹ thuật viên sửa chữa xe nắm bắt tình trạng hiện tại của chiếc xe và dễ dàng nhận biết những lỗi mà xe đang gặp phải, giúp cho việc sửa xe thuận tiện hơn. Theo thời gian, công nghệ phát triển nên OBD giờ đã trở thành OBD-II và phát sinh thêm nhiều công dụng khác, trong đó nổi bật nhất là đóng vai trò như một cổng kết nối để lắp đặt thêm các loại phụ kiện cho xe.
Cổng kết nối đa dụng OBD-II
Từ thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, các nhà sản xuất ô tô đã biết ứng dụng những hệ thống OBD, kết nối với máy tính ECU để giám sát và chẩn đoán lỗi trên xe. Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng mỗi hãng lại làm theo một thiết kế riêng nhằm bảo vệ công nghệ độc quyền, dẫn đến sự không đồng nhất.
Thông số của chuẩn kết nối OBD-II
Đến đầu thập niên 90, với mong muốn kiểm soát lượng khí thải của xe nên các nhà làm luật ở Mỹ đã đưa ra kế hoạch tạo nên một dạng cổng kết nối tiêu chuẩn, dùng được cho tất cả mọi loại xe. Đó chính là cổng OBD-II (còn được gọi là OBDII, OBD2 hoặc OBD 2), bắt đầu được đưa vào sử dụng rộng rãi từ năm 1996 (tại Mỹ), từ 2001 (tại Châu Âu, Nhật Bản) và vẫn phổ biến cho tới tận ngày nay.
Khác với các hệ thống OBD sơ khai trong quá khứ, cổng OBD-II chỉ có một thiết kế duy nhất dưới dạng cổng kết nối 16 chân và được bố trí nằm ở trong phạm vi khoảng 60 cm xung quanh vô-lăng xe, thường là gần chân phanh. Chính vì vậy nên việc tìm ra cổng OBD-II rất dễ dàng và thuận tiện, cho dù mục đích để cho thợ sửa chữa gắn thiết bị đọc lỗi hay chỉ đơn giản là để chủ xe tự mình lắp thêm phụ kiện gắn ngoài.
Cụ thể, OBD-II mang đến cho chúng ta những chức năng như sau:
1. Báo lỗi khi xe gặp sự cố
Mục đích chính của OBD-II là chẩn đoán và cảnh báo lỗi khi các hệ thống trên xe xảy ra trục trặc. Khi đèn “check engine” trên bảng đồng hồ của xe sáng lên, đó chính là lúc OBD-II đã phát hiện ra lỗi. Điều này sẽ giúp cho chủ xe sớm phát hiện những sự cố nhỏ trước khi chúng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của xe.
Nhờ có OBD-II mà các kỹ thuật viên sửa chữa không cần phải mày mò tìm lỗi thủ công nữa. Thay vào đó, họ chỉ cần kết nối máy đọc lỗi với xe thông qua cổng OBD-II là có thể lập tức đọc được các thông số cảnh báo hiển thị, biết chính xác xe đang bị gì, giúp cho việc sửa chữa nhanh chóng và hiệu quả hơn.
2. Lưu giữ thông tin định vị GPS của xe
Thiết bị định vị GPS khi được lắp đặt và kết nối thông qua cổng OBD-II sẽ được sử dụng như 1 hộp đen mini, giúp theo dõi, giám sát vị trí, lịch trình di chuyển của chiếc xe, đồng thời đưa ra các cảnh báo an toàn, lưu trữ báo cáo lịch trình di chuyển hiệu quả.
Đây là tính năng đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, có lượng xe chở hàng, xe chở khách, xe cho thuê… đông đảo và cần giám sát vị trí cụ thể của từng chiếc.
3. Lắp đặt thêm phụ kiện “đồ chơi” cho xe
Bên cạnh các lợi ích nêu trên, OBD-II còn cho phép người dùng lắp đặt thêm những món phụ kiện để mở rộng tính năng cho xe. Có rất nhiều thiết bị có thể gắn được qua cổng OBD-II, từ những món tương đối đơn giản như cảm biến áp suất lốp, bộ chốt cửa tự động, tự động lên kính… cho đến camera cập lề hoặc những hệ thống hiển thị thông tin chi tiết về xe theo thời gian thực, bao gồm cả các loại màn hình HUD hắt kính.
Màn hình HUD giúp hiển thị trạng thái xe trên kính lái, bao gồm những thông tin như tốc độ hiện tại của xe, quãng đường đi được, định vị,… đúng với tầm mắt quan sát của người lái. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại HUD với đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng, chức năng… một số còn có thể kết nối với điện thoại thông minh qua Bluetooth, tăng thêm tiện ích cho người dùng.
Ngoài ra, giống như USB, OBD-II ngày nay đã được coi là một loại cổng kết nối đa dụng, nên cũng có những bộ chia cổng để cùng lúc lắp được nhiều hơn một thiết bị.
4. Bảo vệ môi trường, kiểm soát lượng khí thải của xe
Một tác dụng tuyệt vời mà cổng OBD-II mang lại chính là kiểm soát lượng khí thải của xe. Đây cũng là mục đích đầu tiên thúc đẩy sự ra đời của chuẩn OBD-II.
Khi đó, việc kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống khí thải từ các phương tiện xe lưu thông tại Mỹ là tiền đề để các nhà sản xuất ô tô thiết lập hệ thống theo dõi và kiểm soát lượng khí thải của xe. Sau đó, hệ thống này dần được hoàn thiện và phát triển, không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng như hiện nay.