Ô tô dưới 9 chỗ ngồi không cần phải lắp bình chữa cháy, học và thi bằng lái xe với phần mềm mô phỏng, thực hiện tiêu chuẩn khí thải mới… là một trong những chính sách về ô tô bắt đầu được áp dụng từ năm 2021.
1. Thực hiện tiêu chuẩn khí thải mới với ô tô.
Kể từ ngày 1/1/2021, Quyết định số 16/2019/ QĐ-TTg ban hành ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, các xe ô tô được sản xuất trong giai đoạn từ năm 1999 – 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 02 từ ngày 10/1/2021 thay vì mức 01, mức thấp nhất trong bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018.Đối với tiêu chuẩn khí thải mức 02, theo bộ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 quy định, giới hạn lớn nhất cho phép đối với ô tô sử dụng động cơ cháy cưỡng bức là 3.5% (thể tích) chất CO và 800 HC (ppm thể tích); giới hạn lớn nhất đối với ô tô sử dụng động cơ cháy nén là 60% HSU giới hạn độ khói.
2. Bổ sung phần mềm mô phỏng vào việc học và sát hạch bằng lái xe ô tô
Theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, từ ngày 1/1/2021, tất cả các trung tâm sát hạch bằng lái xe bắt buộc phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo và sát sạch bằng lái xe ô tô.
Cụ thể, học viên tham gia sát hạch bằng lái xe ô tô sẽ phải hoàn thành các nội dung thi gồm: Lý thuyết, Phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Lái xe trong sa hình và Lái xe trên đường thay vì chỉ phải thi Lý thuyết, Lái xe trong sa hình và Lái xe trên đường như trước đây.Trong quá trình đào tạo lái xe, học viên sẽ được học về nội dung kỹ thuật lái xe trên phần mềm mô phỏng. Thiết bị mô phỏng bao gồm: Hệ thống máy tính, phần mềm mô phỏng, cabin học lái ô tô sẽ được sử dụng trong cả đào tạo và thi.
3. Ô tô dưới 9 chỗ ngồi không phải lắp bình cứu hoả
Từ ngày 10/1/2021, ô tô con từ 4 chỗ đến dưới 9 chỗ ngồi sẽ không phải lắp bình cứu hoả theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy.
4. Kết thúc chính sách hỗ trợ 50% Lệ phí trước bạ của Chính phủ
Từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, Chính phủ đã triển khai chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm tạo động lực phát triển cho ngành ô tô sau khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ đã kết thúc hiệu lực. Đồng nghĩa với việc mức thu lệ phí trước bạ sẽ quay trở lại như Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương trước đây.
5. Ô tô có thể được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu
Tại Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành ngày 6/8/2020 có đề xuất về việc điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô.
Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ rẻ hơn nhờ được giảm thuế. Vì vậy, nếu chính sách này được thông qua, giá xe đến tay người tiêu dùng trong nước cũng sẽ giảm và góp phần kích thích mua sắm, phát triển kinh tế nội địa.
Bên cạnh đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với linh kiện của xe ô tô lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu từ thị trường châu Âu (EU) vào Việt Nam cũng có thể được giảm thuế theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo Nghị định số 111/2020/NĐ-CP, xe ô tô nhập khẩu từ các nước trong khối liên minh châu Âu từ năm 2021 sẽ được giảm thuế với mức tối đa lên đến 7.4% so với năm 2020, áp dụng tuỳ loại xe.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)
Nguồn: XeHay