Đứng trước cổng trường THCS Xa Dung, tôi hỏi anh Nguyễn Anh Tuấn (nick diễn đàn Explorer), anh đã đi hết các chương trình Sưởi ấm bản cao (SABC), chuyến nào đường đi vất vả nhất? Thở ra một làn khói trắng đục nặng trịch không rõ là khói tẩu hay do hơi nước nặng hạt, anh bảo, chuyến đi Huổi Mí đường vào các bản là kinh nhất, nhưng chuyến này cũng khó mà nói trước.
Y như rằng, ngay lúc đó thông tin từ các điểm trường Thẩm Mĩ 1 và Thẩm Mĩ 2 báo về, đoàn bán tải 2 cầu vào gần đến nơi nhưng đường quá trơn, không cách gì đi tiếp, đành phải mang hàng về gửi tạm ở điểm chính. Chờ thời tiết thuận lợi sẽ nhờ dân địa phương chuyển vào sau.
Tổng cộng chuyến này đoàn Otofun có gần 80 xe, tất cả đều ít nhiều chở hàng vào 18 điểm trường khác nhau tại xã Xa Dung, Điện Biên Đông. Ngoài hạng mục đầu tư xây dựng một điểm trường tại Mường Tỉnh BC, còn quần áo, trang thiết bị học tập, cầu bập bênh cho khoảng 2.000 học sinh cấp 1, cấp 2 và mầm non. Trong số này, lọt thỏm mấy chục bộ lốp gai dành cho xe máy. Đây là món quà đặc biệt, dành cho các cô giáo, phần đông còn trẻ.
Gần 2 tháng trước, lễ phát động chương trình SABC 2020 diễn ra tại Hà Nội. Nhiều món quà đặc biệt, là tâm huyết của các thành viên được đưa ra để đấu giá ủng hộ chương trình. Áo của tiền vệ Trọng Hoàng vừa vô địch V-League 2020, găng tay thi đấu có chữ ký thủ môn Đặng Văn Lâm, quả bóng có đầy đủ chữ ký đội tuyển Việt Nam hay đồ cổ quý hiếm… Tất cả là những món đồ có giá trị tinh thần to lớn, là tâm huyết của người tặng dành cho các em nhỏ vùng cao. Cuối buổi, ban tổ chức tổng kết được hơn 200 triệu đồng.
Tiếp tục câu chuyện, các thầy cô giáo kể, cứ khoảng 3 tháng phải thay một bộ lốp, do đường xá đi lại quá ư là nhọc nhằn. Nhiều điểm, phải quấn xích vào bánh mới đi nổi. Đứng cạnh tôi trong buổi lễ trao quà tượng trưng tại trường THCS Xa Dung là cô giá Hà Bảo An. Đang nhiệt tình cổ vũ cho học trò chơi giải đố vui trên sân trường, em quay sang hỏi tôi: Lúc nãy các anh đi lên đây đường có trơn lắm không, lát em phải đi xe máy xuống Điện Biên, nếu đường trơn sẽ đi lâu lắm.
Thương, giáo viên mầm non, người Thái Bình, đã cắm bản được 13 năm, từ khi ra trường. Vậy mà đến giờ vẫn không khỏi giật mình khi kể về những gian nan hành trình bám trụ ở Xa Dung. Những khi đi hàng nửa ngày trời mới được quãng đường 7 cây số. Những khi chỉ còn 50m nữa là ra đến đường bê tông mà kiệt sức, không đẩy nổi chiếc xe máy, đành ngồi khóc cho thoả thuê…
Thương, người Thái Bình, đã có 13 năm công tác tại Xa Dung.
Khu nhà nghỉ của giáo viên mầm non trường Ban Mai điểm Xa Dung B rộng chừng năm sáu chục mét, dựng bằng ván gỗ. Đứng trong thời tiết lạnh 4-5 độ, cảm tưởng nghe được cả tiếng gió đang rít qua khe. Thế mà khi hỏi ở trên này cần gì nhất, Thương bảo, cần nhất là đường xá dễ đi lại, điện nước đầy đủ. Điện giờ đã có, nước sạch cũng không đến mức thiếu thốn, thậm chí thông tin liên lạc quá dễ dàng.
Chỉ có đường đi là còn vất vả quá… Điều đó thì chúng tôi quá hiểu. Bởi ngay khi rời trường đi về Tuần Giáo, đoàn xe đã được thưởng thức những con dốc vừa trơn trượt vừa lồi lõm. May mà chiếc Pajero Sport tôi đi có cài cầu chậm để chống xe xoay ngang, chứ không, chưa biết lúc nào có thể ra đến đường nhựa an toàn .
Chiếc Mitsubishi Pajero Sport với chế độ cài cầu chậm giúp việc đi lại đỡ khó khăn hơn.
Tôi kể lại chuyện này, một phần để ghi nhớ về một hoạt động ý nghĩa mình được tham dự, một chuyến đi đầy niềm vui. Một phần khác, tôi muốn kể cho những người hôm trước có đặt câu hỏi: Tại sao bắt các cháu ra sân trường trong trời rét?
Khi đọc được những thắc mắc ấy, tôi mới giật mình, hoá ra không phải những gì mình biết cũng là điều hiển nhiên với mọi người. Bọn trẻ nhà tôi, cứ dưới 10 độ là được nghỉ học, nhưng khi tôi cho đi lội suối trong cái lạnh 7-8 độ của vùng cao, chúng chơi cả tiếng không biết chán và cũng chẳng hề ho hắng gì sau đó.
Trẻ con vùng sâu, xa lại càng quen với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Chúng chẳng sợ thời tiết đóng băng hay đường sá xa xôi. Chúng chỉ không có đủ phương tiện học tập. Học sinh nhiều bạn có điện thoại, có Internet, nhưng trang thiết bị trong lớp gần như vẫn ở mức cực kỳ đơn sơ. Nhiều trường có thể dễ dàng kiếm sữa cho các con, nhưng nước sạch dùng hằng ngày vẫn là mơ ước.
Trẻ con vùng cao, vốn quen với sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên.
Nhiều khi, mạng xã hội mang lại cảm giác sai lệch. Nó làm chúng ta tưởng rằng những gì nhìn thấy, đọc thấy là toàn bộ câu chuyện. Rất nhiều trong số hai trăm học sinh trên sân sống ngay khu nội trú trong trường, trong những căn phòng gió lùa chả có gì ngoài những chiếc giường tầng, khu vực vệ sinh chung thì nằm phía bên kia sân. Tôi hỏi một bé, sao lại đi dép mà không đi giày, nó bảo đi quen rồi, với lại đi từ khu nội trú sang xỏ dép cho tiện.
Hình ảnh các OFer đang cười nói trên sân cũng không cho thấy việc họ đã phải mất 6 tháng chuẩn bị, mất ăn mất ngủ lên kế hoạch tổ chức, thuyết phục nhà tài trợ, hai lần đi khảo sát hai địa điểm cách nhau hơn nghìn cây số.
Quỹ OF Vì cộng đồng khảo sát tại Xa Dung hồi tháng 10/2020.
Đến bữa ăn trưa chuẩn bị cho các con mà đội tình nguyện viên cũng phải lên đến nơi, mượn bếp của trường nấu nướng tại chỗ cho nóng sốt mới chịu. Cũng không ai thấy đội vận chuyển với nòng cốt là PVC, CVC vật lộn hàng chục cây số trong mưa rét, bùn lầy, trèo đèo lội suối rồi tự mình lại khuân vác hàng hoá vào các điểm trường.
“Tổng chi phí của SABC 2020 là khoảng 1,5 tỷ đồng”, anh Trần Anh Tuấn đại diện Quỹ OF Vì cộng đồng cho biết. Anh Tuấn cũng nói thêm, chương trình hiện nay đã hoàn thành được 95%, một số hạng mục chưa hoàn thiện do nhiều lý do, bởi điều kiện tự nhiên khó khăn nơi đây. Hàng trăm con người cùng hợp lực, nhưng chương trình vẫn chưa thực sự hoàn thành. Thế mới thấy sự khó khăn của tự nhiên, sự nỗ lực không ngừng của tất cả thành viên.
Anh Trần Anh Tuấn – Quỹ OF Vì cộng đồng
Cũng trong hành trình này, giữa 150 con người có không ít người lần đầu tiên tham gia. Khi được hỏi, hầu hết đều bảo rằng dù đường sá xa xôi nhưng được nhìn ánh mắt và nụ cười của học sinh là mệt mỏi tan biến. Chưa hết, tất cả đều nói rằng sẽ tiếp tục và kêu gọi bạn bè tham gia SABC 2021. Một thành viên khác của diễn đàn, Nguyễn Thái Hà tự hào ba lần kết nối cho diễn đàn OtoFun về với Điện Biên quê mình. Đó là Huổi Mí năm 2015, Nậm Chua năm 2018 và Xa Dung năm 2020.
Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất, có lẽ là sự xuất hiện của thành viên nhỏ nhất đoàn. Một em bé chỉ mới 11 tháng tuổi, cũng được bố mẹ cho tham gia SABC 2020. Anh Nguyễn Thanh Bình, đã hai lần tham gia SABC, quyết định cho vợ và con trai đồng hành cùng mình ở lần thứ ba này.
Vợ anh Bình, chị Đinh Thị Hằng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia SABC. Việc đưa em bé theo thì cũng lo lắng vì thời tiết rất lạnh. Tuy nhiên, lên đến đây bé Soda vẫn khỏe mạnh và tỏ ra thích thú khi tham gia cùng bố mẹ”. Kết thúc câu chuyện, cả hai đều hứa sẽ tiếp tục đồng hành vào năm sau.
Gia đình anh Bình, chị Hằng và bé Soda.
Hình ảnh các bạn xem thấy chỉ nói lên một phần của những câu chuyện trên, nên tôi xin mời tất cả các bạn có ý kiến trái chiều cùng tham gia, cùng đi trong những chuyến hành trình tiếp theo. Nhờ thế, SABC những năm sau có lẽ sẽ có thêm nhiều tấm lòng đồng hành cùng các con. Hơi ấm vì thế sẽ lan toả đi xa hơn, nhiều hơn. Ai không tham gia được cũng sẽ hiểu rõ hơn, ý thức hơn về sự san sẻ trách nhiệm xã hội.