Bỏ học đại học để theo đuổi nghề “vọc” linh kiện cơ khí
Thay vì ra trường trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin như kỳ vọng của gia đình, vào năm thứ 4 Đại học khi tròn 21 tuổi, Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1986, Lâm Đồng) đã nghỉ học, để theo đuổi đam mê Decor cơ khí hay cơ khí sắp đặt.
Sau nhiều năm lăn lộn khởi nghiệp, chàng trai 8X trở thành ông chủ xưởng Decor nổi danh đất Sài Thành, với hơn 2.000 sản phẩm độc bản, có giá tiền triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều trong số đó đã đến tay khách hàng quốc tế.
Các sản phẩm Tuấn Anh làm gồm bàn, ghế, đồng hồ hay robot, các loài động vật tại xưởng được ráp từ hàng trăm chi tiết như nhông sên, càng số, ốc vít của xe máy, ô tô. Thậm chí, những cánh quạt hay máy cắt cỏ – bất cứ chi tiết nào cảm thấy đẹp, có thể sử dụng, Tuấn Anh cũng lựa chọn để làm ra những món đồ tinh tế và sinh động.
Anh cho biết, tùy vào độ khó và yêu cầu của khách hàng, các sản phẩm cơ khí mất từ vài ngày, đôi khi cả tháng mới có thể hoàn thiện.
Nguyễn Tuấn Anh.
Mô hình Bumblebee.
Đồng hồ Bumblebee.
“Cách sắp đặt các chi tiết của một sản phẩm phải hài hòa về bố cục, thể hiện được ý đồ của người tạo ra nó, cũng như mong muốn, ý tưởng hay cá tính của người sở hữu. Chúng sẽ được lên bản phác thảo, tìm linh kiện, rồi hàn, lắp ráp.
Đôi khi, có những sản phẩm vẽ 3D rất ưng ý, nhưng khi làm lại không ổn, phải tháo dỡ, cắt rời thậm chí chấp nhận làm lại từ đầu, nhưng nhờ đó, chúng tôi không bị mắc nhiều lỗi khi hoàn thiện”, Tuấn Anh tâm sự.
Tỉ mỉ từng chi tiết, ông chủ xưởng decor có yêu cầu khắt khe cho thành phẩm như cách sắp đặt khoa học, logic và đạt hiệu ứng thị giác tốt. Nếu có phần chuyển động ở sản phẩm thì cần đảm bảo chuyển động chính xác, mượt mà. Một lớp sơn phủ bóng sẽ hoàn tất quá trình chế tạo một tác phẩm decor mà như anh nói đó là hàng độc bản.
“Sản phẩm mà 10 người nhìn thấy phải có 7-8 người cảm nhận được, chứ làm xong mà mình mình thấy đẹp, người khác không thì chỉ có lên núi sống thôi”, Tuấn Anh nói vui.
Tắc kè đột biến và mô hình cá.
Đã nói “mình quyết tâm làm được” mà không làm thì người ta khinh thường
Thời gian đầu khởi nghiệp, gia đình và bè bạn đều can ngăn Tuấn Anh “Không làm được đâu”, “Làm ra, có ai mua?”. Nhưng như anh nói vì cái tính thích chinh phục những cái khó mà kim loại là khó tạo hình nhất, Việt Nam chưa ai làm nên anh chọn decor cơ khí. Thậm chí, anh đã nghĩ đến chuyện làm xưởng quy mô lớn, mở showroom trưng bày những độc bản này.
Với số vốn ít ỏi vài chục triệu đồng, Tuấn Anh thu mua linh kiện từ đủ các nguồn, đôi khi là cả các khu bán phế liệu, ve chai để tìm phụ kiện đúng ý.
Ngay từ đầu, Tuân Anh nhận biết mình có khả năng logic, mỹ thuật và đam mê, nhưng không hề có kiến thức về cơ khí hay kỹ thuật, nguồn vốn cũng ít, bản thân lại chưa từng qua đào tạo về kinh doanh nên sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, những gì đã lường trước thực sự chưa thấm với thực tế anh trải qua.
Khi mới làm đồ decor cơ khí, Tuấn Anh cũng đồng thời lập gia đình và có con nhỏ. Công việc chế tác chỉ có 1 mình, chưa tạo dựng được thị trường, mua xong nguyên liệu cũng cạn tiền khiến ông chủ không ít lần nản chí.
“Đâm lao thì theo lao. Đã nói “mình quyết tâm làm được” mà không làm thì người ta khinh thường, đâu có quay lại được. Cũng may là cứ khi nào nản quá lại có khách gọi điện đặt hàng, cứ thế, mình hồi sức lại, cố gắng kiên trì”, Tuấn Anh trải lòng.
Mô hình đầu tiên là chiếc đèn, Tuấn Anh bán được 900.000 đồng. Sau những mô hình kích thước nhỏ, Tuấn Anh thử thách mình với những mẫu đồng hồ kích thước lớn, mô phỏng cơ cấu làm việc của động cơ đốt trong hay mô hình Bumblebee (nhân vật trong phim hoạt hình viễn tưởng nổi tiếng).
Đến giờ, xưởng của anh làm hàng nghìn mẫu mã, với mức giá tiền triệu, thậm chí, có phiên bản đồng hồ cao 4m trị giá 400 triệu đồng.
Bản phác họa vẽ tay các mô hình của Tuấn Anh.
Các mô hình sinh động như thật.
“Chinh phục được khách hàng khó tính thì họ sẽ thành bảo chứng uy tín”
Tuấn Anh kể, ngày càng có nhiều khách hàng trẻ, ở độ tuổi 25 – 40, yêu thích cơ khí sắp đặt. Thú vị là, nữ giới lại chiếm số đông – khi vốn dĩ trước nay mọi người vẫn mặc định những thứ khô khan như linh kiện, robot là của nam giới.
“Có lẽ họ bị hấp dẫn bởi sự sinh động của những mô hình. Có những con động vật như mèo, cá hay tắc kè bán rất chạy hàng”, Tuấn Anh chia sẻ.
Để “thổi hồn” cho những mô hình, ông chủ xưởng tự tay phác họa hình vẽ, lên ý tưởng sắp xếp linh kiện. Vừa tham khảo mạng internet về hình họa, mỹ thuật, vừa lướt Tiktok, Youtube để “bắt trend” (xu hướng), Tuấn Anh cũng nhờ những kênh xã hội để bán hàng.
Trong khi đó, các mô hình đồng hồ cũng đặc biệt thu hút sự chú ý. Một lần, bạn hàng của Tuấn Anh chụp cho anh bức hình tại xưởng của người đó. Trong hình có ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tuấn Anh kể, “vua cà phê” Trung Nguyên đã “ồ” lên khi nhìn thấy mô hình đồng hồ treo trong xưởng của người bạn anh. Đó là một kỷ niệm vui mà anh đã chia sẻ lên Facebook.
“Bác Vũ có đưa ý tưởng thì tôi cũng sẵn sàng làm, chỉ cần khách yêu cầu thì không có gì là vấn đề cả”, Tuấn Anh nói.
Tuấn Anh ấp ủ dự định làm mô hình người thật từ linh kiện cơ khí.
Trong nhiều năm làm nghề, Tuấn Anh từng gặp nhiều vị khách khó tính, khiến anh phải “đập đi xây lại” mô hình, tinh chỉnh rất nhiều chi tiết. Nhưng người thợ coi đó là thử thách để vượt qua.
“Nếu chinh phục được người như vậy, tự khắc mình cũng giỏi hơn, cơ hội tiếp cận với những khách hàng mới cũng nhờ uy tín của họ mà đến với mình. Họ chính là bảo chứng cho mình”, anh nói.
Ông chủ trẻ tâm sự, trong tương lai, anh có thể sẽ thử thách làm mô hình người thật, từng bước hiện thực hóa mong muốn đưa những sản phẩm độc đáo ra quốc tế.
(Nguồn ảnh: abmshop, Nhân vật cung cấp)