Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam – Hiroyuki Ueda tiết lộ, mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều lợi thế như nguồn nhân lực chất lượng mà giá nhân công lại thấp, nhưng trên thực tế, chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực.
Với biên bản ghi nhớ (MOU), Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô của Việt Nam có tiềm năng để nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Biên bản ghi nhớ MOU hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô được ký kết giữa ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp và Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam ông Hiroyuki Ueda – Ảnh: VIA
Ngày 17/5, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam được thực hiện thí điểm từ năm 2020 theo Biên bản ghi nhớ ký kết năm 2020. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm nay hai bên chính thức ký kết MOU với mục tiêu mở rộng và thiết thực hóa các hoạt động hợp tác.Theo đó, hai bên sẽ tập trung hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô trong nước để tăng năng lực, tăng liên kết với các nhà lắp ráp ô tô.
Theo Cục Công nghiệp, ngành chế biến chế tạo vẫn đang phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI, công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thực sự phát triển. Do đó, nguồn cung cho các doanh nghiệp FDI cũng phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu.
Thực trạng này đã được Ngân hàng Thế giới chỉ ra và coi là điểm nghẽn “nền kinh tế kép” của Việt Nam, các doanh nghiệp FDI không tận dụng được nguồn cung trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất, và ngược lại các doanh nghiệp trong nước cũng không tận dụng được sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp chia sẻ: “Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng trong dài hạn. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI có chiến lược phát triển lâu dài và hình thành chuỗi cung ứng trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn”.
Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam – Hiroyuki Ueda chia sẻ: “Lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao, giá nhân công thấp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta gặp khó khăn để phát triển do sản lượng nhỏ; Công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có nên nguyên liệu phải nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về mặt kinh nghiệm và năng lực quản trị sản xuất. Do đó, chi phí sản xuất linh kiện của Việt Nam cao hơn nhiều (gấp 2-3 lần) so với các nước trong khu vực”.

Do đó, trong nhiều năm qua, Toyota thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hoá. Đơn cử như năm 2018, doanh nghiệp đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, nên hiện đã 46 nhà cung cấp nội địa, trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt.
Năm 2020, Bộ Công Thương đã cùng Toyota đi khảo sát thực tế, đánh giá hiện trường và sàng lọc được 200 nhà cung ứng tiềm năng. Trên cơ sở đó, Toyota tiếp tục lựa chọn 6 doanh nghiệp trong tổng số 200 doanh nghiệp trên để tư vấn chuyên sâu, đưa vào danh sách đánh giá để được xét duyệt tham gia vào chuỗi cung ứng của hãng xe hơi của Nhật Bản này.
Những kết quả ban đầu đạt được từ việc thực hiện các nội dung thoả thuận trong Biên bản ghi nhớ ký kết năm 2020 giữa Cục Công nghiệp và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là minh chứng cho nỗ lực của cả hai bên trong việc hình thành và phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Năm 2021, với mục tiêu mở rộng và thiết thực hoá các hoạt động hợp tác giữa hai bên, Cục Công nghiệp cùng Công ty ô tô Toyota Việt Nam tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô. Việc hợp tác được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Nguồn : autopro
Hoang Long