Tại nhiều thị trường, ôtô dùng động cơ đốt trong đang dần bị thay thế bởi các dòng xe thân thiện với môi trường như hybrid, xe điện hay xe nhiên liệu hydro. Tuy nhiên, xăng và diesel hiện vẫn là các loại động cơ phổ biến nhất ở Việt Nam.
Động cơ xăng và động cơ diesel khác biệt đáng kể về khả năng vận hành, chi phí sử dụng và độ an toàn. Do đó, người dùng cần nắm rõ để đưa ra lựa chọn phù hợp nhu cầu thực tế.
Ưu, nhược điểm của động cơ xăng và diesel
Về nguyên lý hoạt động, động cơ xăng dùng bugi đánh tia lửa điện để đốt cháy hỗn hợp xăng và không khí trong xi-lanh, qua đó sinh công cho động cơ.
Trong khi đó, động cơ diesel không dùng bugi mà kích nổ bằng áp suất. Cụ thể, không khí trong xi-lanh được nén ở áp suất và nhiệt độ cao, sau đó bơm dầu vào và hỗn hợp này tự cháy.
Lợi thế dễ nhận thấy nhất của động cơ diesel trước động cơ xăng là chi phí nhiên liệu thấp hơn đáng kể, do giá dầu thấp hơn giá xăng và hiệu suất của động cơ dầu cao hơn.
Trả lời Zing, chuyên gia ôtô Hoàng Linh cho biết nếu thường xuyên có các hành trình dài, xe diesel sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, nhất là trong giai đoạn giá xăng tăng cao. Ví dụ, với một chuyến đi khoảng 2.000 km trong kỳ nghỉ, xe diesel có thể giúp tiết kiệm hàng triệu đồng tiền nhiên liệu so với xe xăng.
Động cơ diesel 2.4L 4 xi-lanh của Toyota Fortuner 2020, cho công suất 147 mã lực tại 3.400 vòng/phút, mô-men xoắn 400 Nm tại 1.600 vòng/phút. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Bên cạnh đó, động cơ diesel luôn có mô-men xoắn cao hơn động cơ xăng cùng dung tích và số xi-lanh, đặc biệt ở dải tua máy thấp. điều này giúp xe diesel vận hành hiệu quả hơn và ít bị ì khi chở nặng.
“Tuy nhiên, động cơ diesel mất nhiều thời gian để đạt tới một ngưỡng tua nhất định – ví dụ như 2.000 vòng/phút, đồng thời phản ứng với mệnh lệnh chậm chạp hơn. Do đó, không chỉ riêng môi trường thể thao mà ngay cả với nhu cầu chạy phố luôn tiến/dừng liên tục, chúng cũng không thể đáp ứng tối ưu”, ông Linh nhận định.
Trong khi đó, động cơ xăng thường có khối lượng nhẹ hơn động cơ diesel cùng loại, dễ dàng đạt tua máy cao (7.000-10.000 vòng/phút), cho trải nghiệm vận hành nhạy bén, nhẹ nhàng hơn.
Mặt khác, với cùng dung tích và số xi-lanh, động cơ xăng cho công suất lớn hơn đáng kể động cơ diesel. Vì những ưu điểm kể trên mà hầu hết dòng xe thể thao và xe đô thị đề cao sự gọn nhẹ đều sử dụng động cơ xăng.
Hyundai Santa Fe 2021 dùng động cơ xăng 2.5L, công suất 180 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn 232 Nm tại 4.000 vòng/phút. Ảnh: TC Motor.
Theo chuyên gia Hoàng Linh, động cơ xăng thường êm ái hơn đáng kể động cơ diesel và không tỏa mùi khó chịu khi vận hành, thích hợp với đô thị đông đúc, đường ngõ chật chội. Điều này cũng khiến xe động cơ xăng phù hợp người dùng đề cao sự sạch sẽ và thiên về trải nghiệm thư thái, sang trọng.
Dù vậy, không thể phủ nhận nhiều năm qua động cơ diesel cũng được cải tiến đáng kể. Trên những dòng xe hiện đại, các nhà sản xuất đã áp dụng nhiều công nghệ khiến ôtô máy dầu bớt ồn và thân thiện môi trường hơn. Tuy chưa thể ngang bằng động cơ xăng nhưng cơ bản đã xóa bỏ quan niệm ô nhiễm, ồn ào của máy dầu trên xe dân dụng.
Ngoài ra, động cơ diesel cũng an toàn hơn động cơ xăng trong một số tình huống va chạm. Cụ thể, dầu diesel cần áp suất cao để cháy còn xăng có thể bốc cháy chỉ với một tia lửa. Vì vậy, khi xảy ra va chạm dẫn tới rò rỉ nhiên liệu, xe diesel an toàn hơn.
Nên mua ôtô dùng động cơ xăng hay diesel?
Chuyên gia Hoàng Linh nhận định về cơ bản, đường sá và giao thông Việt Nam hiện nay không tạo ra sự khác biệt giữa sử dụng xe xăng và xe diesel. Do vậy, người dùng nên ưu tiên chọn lựa dựa trên nhu cầu thực tế.
Ôtô dùng động cơ diesel phù hợp với những người dùng thường xuyên đi hành trình dài, chở đông người hay chở nhiều hàng hóa nặng. Đây cũng là lựa chọn tiết kiệm đáng kể về chi phí nhiên liệu.
Trong khi đó, ôtô dùng động cơ xăng thích hợp hơn với người dùng chủ yếu di chuyển trong nội thành, tìm kiếm một mẫu xe cho trải nghiệm vận hành mượt mà, êm ái, ít ồn và bớt gây ô nhiễm môi trường.
Chí Vũ