Nam thanh niên khoe tự sơn chiếc Hyundai Grand i10 bằng bình xịt cầm tay, chỉ tốn 350.000 đồng tiền vật liệu, tiết kiệm tới 8 triệu đồng thay vì ra gara.
Trên diễn đàn của người dùng xe Hyundai Grand i10 tại Việt Nam mới đây được phen “dậy sóng” vì màn khoe tự sơn xe của một thành viên. Anh Đặng Chuẩn (Biên Hòa, Đồng Nai) đã mất một ngày để hoàn thành việc tự sơn chiếc Hyundai Grand i10 đời 2016 của mình bằng 15 bình xịt cầm tay, gồm khoảng 10 bình sơn màu trắng và 5 bình sơn bóng.
Theo anh Chuẩn, tổng số tiền mua sơn hết hoảng 350.000 đồng, kèm thêm một dụng cụ điều khiển phun sơn khoảng vài chục nghìn đồng, đã giúp anh tiết kiệm tới 8 triệu đồng so với việc mang xe ra gara để sơn quây.
Chủ xe ở Biên Hòa, Đồng Nai tự mua sơn xịt về sơn quây chiếc ôtô của mình.
Anh Chuẩn tự tin với tay nghề trước đây từng sơn cửa sắt nên nước sơn sau khi hoàn thiện khá đều tay, chỉ có một phần gioăng cửa bên lái bị dính sơn do bao bịt chưa chưa kỹ.Tuy nhiên sau khi khoe việc tự sơn, rất nhiều thành viên trên diễn đàn bày tỏ không đồng tình với cách làm tiết kiệm của anh Chuẩn. Một thành viên am hiểu về sơn ôtô cho biết, sơn bình là dạng sơn hạt to, không chịu được nhiệt. Kể cả khi xịt bóng xong, đi ra nắng một thời gian ngắn là rạn chân chim ngay.
Có người còn cảnh báo nếu sơn màu đen còn đỡ, màu trắng chỉ sau một thời gian là ngả vàng vì sơn bình rẻ tiền nước sơn dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bề mặt ôtô luôn cao khi di chuyển, nhất là trong thời tiết nắng nóng.
Chủ xe chỉ che các vị trí không sơn bằng giấy báo và nylon đơn giản không phải là loại vật liệu khuyên dùng trong sơn vỏ ôtô.
Mặc dù nhận khá nhiều “gạch đá”, xong anh Đặng Chuẩn cho rằng chiếc xe mình mua để sử dụng hàng ngày, giá trị cũng không cao nên chấp nhận tự sơn, kể cả có nhanh bong tróc vẫn thỏa mãn thú vui tự tay chăm xe.Lâu nay tại các gara ôtô sửa chữa, đại lý hoặc trung tâm làm đẹp xe đều có dịch vụ sơn ôtô. Trong đó việc sơn quây khá phổ biến. Sơn quây là sơn xung quanh xe, những vị trí thường xuyên bị va chạm, móp méo, xước ở trên xe ôtô. Dòng xe con (cỡ A, B) có giá sơn quây từ 6 đến 9 triệu đồng, xe sedan cỡ C trở lên giá khoảng 10 triệu đồng, xe 7 chỗ giá từ 10 đến 15 triệu đồng.
Tùy theo cơ sở vật chất, có nơi áp dụng quy trình sơn với máy móc vật tư hiện đại, nhưng vẫn có xưởng chỉ đơn giản là quây một góc lại để trộn và thi công sơn. Dù áp dụng các bước sơn đầy đủ như mài nhám, sơn chống gỉ, bả ma-tít, sơn lót, sơn màu, sơn bóng nhưng chất lượng cuối cùng có thể sai lệch nếu thợ hoặc dụng cụ, nơi sơn chưa được tốt.
Sơn ôtô ngày nay đòi hỏi phòng sơn khép kín và thực hiện đủ 8 bước chính và nhiều bước nhỏ.
Theo anh Phạm Đức, chủ An Đức AutoSpa tại Long Biên, sơn ôtô tưởng đơn giản nhưng khá tốn thời gian cũng như đòi hỏi cơ sở vật chất phù hợp mới đạt chất lượng tiệm cận với nước sơn như lúc xe xuất xưởng.“Để có thể tự tin bảo hành sơn một năm cho khách, cơ sở của tôi phải đầu tư hệ thống sơn khép kín từ phòng sơn, phòng sấy, máy pha sơn, thiết bị phun,…tốn từ ít nhất 200 đến 300 triệu đồng. Nếu không có phòng sơn riêng, việc sơn xe ngoài trời rất dễ dính bụi, cát, thậm chí gió cũng ảnh hưởng đến độ mịn bám của sơn xe”, anh Đức cho biết.
Bên cạnh đó, đa số các gara ôtô đều sử dụng sơn ôtô chuyên dụng của các hãng như R-m, Dupont, Sikens, PPG, Nippon… mới đảm bảo các yếu tố như độ bám, chịu nhiệt, chịu ăn mòn hóa chất. Ngay cả việc che chắn giữa các khu vực sơn và không sơn cũng phải dùng giấy chắn hoặc nylon chuyên dụng, không được dùng giấy báo hoặc các vật liệu dễ thấm hút khác.
Ngay cả sơn phục hồi theo chi tiết cũng phải qua đủ các bước như mài nhám, sơn chống gỉ, bả ma-tít, sơn lót, sơn màu, sơn bóng, khi sơn phải che chắn bằng loại giấy hoặc nylon chuyên dụng.
Anh Đức cho biết nếu chủ xe tự dùng sơn xịt hoặc các loại sơn kém chất lượng, một thời gian ngắn nước sơn sẽ hỏng. “Khi đem ra gara để khắc phục, giá sơn chắc chắn sẽ đắt hơn vì thợ sẽ phải tẩy hết toàn bộ lớp tự sơn này thì mới phun sơn mới vào được. Thời gian sơn quây một chiếc xe sẽ mất khoảng 1 ngày. Nếu sơn toàn bộ xe có thể kéo dài một tuần đến 10 ngày tùy theo hạng mục công việc”, anh Đức nói.
Cũng đồng tình với quan điểm không nên tự mua sơn cầm tay về sơn ôtô, kỹ sư Lê Văn Tạch, chủ gara ôtô cùng tên ở TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng việc sửa chữa khắc phục ôtô lâu nay đều có quy trình cụ thể, nó thành cả giáo trình đào tạo trong các trường nghề, nhất là sơn, gò, hàn còn chia cả bậc thợ để phân biệt trình độ. Hơn nữa bình sơn cầm tay thường được khuyến cáo dùng sơn các vật dụng thông thường, không thể đem sơn ôtô với tính chất hoạt động khác nhau.
Anh Tạch cho biết gara anh chuyên về sửa chữa và khắc phục ôtô hư hỏng, tai nạn, dù không đầu tư xưởng sơn riêng nhưng anh chú trọng liên kết với các xưởng sơn ôtô có đầu tư trang thiết bị và thợ tuân thủ nghiêm túc quy trình. Chiếc xe sau khi được sơn lại đúng quy trình có chất lượng tương đương xe từ nhà máy, độ bền nước sơn đi vài năm không vấn đề gì.
Nguồn: Zing.vn