Thaco vừa đồng thời cho ra mắt Mazda CX-3 và CX-30 tại thị trường Việt Nam. Dù cùng được xếp vào nhóm SUV đô thị, CX-3 và CX-30 thuộc hai phân khúc khác nhau, có giá bán và hướng tới đối tượng khách hàng khác nhau.
Cụ thể, Mazda CX-3 là một mẫu SUV đô thị đúng nghĩa về phân hạng kích cỡ và tầm giá, cạnh tranh trực tiếp với Ford EcoSport, Kia Seltos hay Hyundai Kona. Trong khi đó, Mazda CX-30 được định vị ở phân khúc tiệm cận SUV hạng C, thuộc khoảng giá của Toyota Corolla Cross và Honda HR-V.
Mang tới cho người dùng nhiều lựa chọn kích cỡ, trang bị và động cơ tại nhóm SUV đô thị, tuy nhiên bộ đôi mới trình làng của Mazda được đánh giá là sẽ gặp khó tại Việt Nam.
Mazda CX-3 thuộc thế hệ sản phẩm cũ
Mazda CX-3 được niêm yết giá 629-709 triệu đồng. Trong khoảng giá này, CX-3 sẽ cạnh tranh cùng Ford EcoSport (603-686 triệu đồng), Hyundai Kona (636-750 triệu đồng) và Kia Seltos (609-729 triệu đồng).
Khác với CX-30, CX-3 không thuộc thế hệ sản phẩm mới nhất của Mazda. Thực tế, thế hệ CX-3 hiện hành ra mắt từ cuối năm 2014, sử dụng chung nền tảng với Mazda2. CX-3 nhận bản nâng cấp giữa vòng đời (facelift) năm 2018, thay đổi không đáng kể về thiết kế và được bổ sung tính năng an toàn.
Xét về thế hệ sản phẩm, Mazda CX-3 tương đồng với Ford EcoSport. Thế hệ EcoSport hiện tại trình làng năm 2012 và có bản facelift năm 2018. Trong khi đó, Hyundai Kona và Kia Seltos thuộc thế hệ sản phẩm mới, với thiết kế hợp xu hướng hơn.
Tại Việt Nam, nhóm SUV đô thị với những sản phẩm “cũ” như Ford EcoSport từng trải qua giai đoạn thoái trào từ năm 2016 đến năm 2018, với doanh số sụt giảm mạnh. Phải đến khi Hyundai Kona được giới thiệu và Kia Seltos ra mắt, phân khúc này mới được hâm nóng trở lại.
Trả lời Zing, chuyên gia ôtô Hoàng Linh nhận xét doanh số phân khúc thấp trong giai đoạn trước là một phần lý do Thaco chậm trễ phân phối Mazda CX-3, dù mẫu xe này được bán ra trên toàn cầu từ cuối năm 2015.
“Mazda CX-3 không phải sản phẩm chiến lược của Thaco. Mẫu xe này cạnh tranh với Ford EcoSport tại Việt Nam – vốn cũng là dòng xe sử dụng nền tảng không mới. Phân khúc này lâu nay cũng không có doanh số ấn tượng”, ông Linh cho biết.
Mặt khác, động cơ 1.5L (110 mã lực, 144 Nm) của Mazda CX-3 cũng thuộc dạng yếu nhất phân khúc, thua kém EcoSport 1.0L Turbo (123 mã lực, 170 Nm), Kona 2.0L (149 mã lực, 180 Nm), Seltos 1.4L Turbo (138 mã lực, 242 Nm).
Do đó, dù có lượng trang bị tiện nghi, an toàn nhỉnh hơn các đối thủ cùng phân khúc, chuyên gia Hoàng Linh nhận định Mazda CX-3 sẽ khó đạt doanh số cao tại thị trường Việt Nam.
Mazda CX-30 không thật sự nổi bật tại phân khúc
So với CX-3, Mazda CX-30 thuộc phân khúc đặc thù hơn – nằm giữa SUV hạng B và hạng C, với tập khách hàng nhỏ hơn. Mức giá 839-899 triệu đồng khiến CX-30 phải cạnh tranh với Toyota Corolla Cross, Honda HR-V và cả mẫu SUV “cùng nhà” Mazda CX-5.
Nhìn vào danh mục sản phẩm Toyota và Honda tại Việt Nam, vai trò của Corolla Cross và HR-V rất rõ ràng. Đây hiện là những mẫu SUV 5 chỗ duy nhất mà hai hãng này phân phối tại Việt Nam. Người dùng tìm kiếm một mẫu SUV cỡ nhỏ chạy phố đến từ hai thương hiệu kể trên không có lựa chọn khác.
Trái lái, tập khách hàng của Mazda CX-30 lại có phần hẹp hơn Corolla Cross và HR-V. Trong danh mục sản phẩm Mazda, vai trò SUV cỡ nhỏ giá rẻ thuộc về Mazda CX-3. Người dùng với điều kiện tài chính tốt hơn có thể lựa chọn Mazda CX-5, được niêm yết giá từ 839 triệu đến 1,059 tỷ đồng.
Chuyên gia ôtô Hoàng Linh nhận định trong danh mục sản phẩm các hãng, khoảng trống phân khúc cho các mẫu xe như CX-30 rất hẹp. Tới nay cũng chưa xuất hiện gương mặt nào thực sự nổi trội về doanh số, ngoại trừ thành công bước đầu của Toyota Corolla Cross thời gian qua. Trong khi đó, Honda HR-V thường xuyên rơi vào tình trạng ế ẩm.
“Đánh giá khách quan thực tế thị trường trong nước lúc này, Mazda CX-30 khó có thể vượt qua Toyota Corolla Cross – vốn đang thống trị phân khúc mà người dùng luôn đề cao tính tin cậy và sự bền bỉ.
Thiết kế nội/ngoại thất của Corolla Cross cũng hợp thị hiếu người dùng, vì vậy kiểu dáng bắt mắt của CX-30 khó phát huy được ưu thế như cách Mazda3 lấn lướt Toyota Corolla Altis trước đây”, ông Linh nói.
Bên cạnh đó, cấu hình tại Việt Nam cũng phần nào khiến CX-30 mất đi “chất” riêng khi so sánh với Mazda CX-5.
Theo chuyên gia Hoàng Linh, trong triết lý sản phẩm của Mazda, CX-30 là mẫu xe dạng “hothatch”, hướng tới trải nghiệm vận hành tốt cho người trẻ, gia đình trẻ, ưa khám phá và năng động. Tuy nhiên khi được đưa về Việt Nam, Thaco đã loại bỏ các tùy chọn động cơ mới và cao cấp hơn, ví dụ như SkyActiv-X. Xe cũng không có phiên bản dẫn động AWD.
“Lợi thế lớn nhất của Mazda CX-30 so với đối thủ và các mẫu xe Mazda cùng phân khúc cũng theo đó mà bị triệt tiêu, khiến CX-30 giống một phiên bản CX-5 thu nhỏ, thiếu đi bản sắc riêng”, ông Linh nói.
Do vậy, Mazda CX-30 hiện khó trở thành lựa chọn thuyết phục hơn Mazda CX-5, khi mẫu xe “đàn anh” có lợi thế rõ rệt về không gian sử dụng.
Trên thực tế, việc đồng thời ra mắt Mazda CX-3 và CX-30 dưới dạng xe nhập khẩu thay vì lắp ráp nội địa có thể xem như động thái làm đầy danh mục sản phẩm của Mazda tại Việt Nam, mang tới khách hàng nhiều lựa chọn sản phẩm hơn.
Vỹ Phong