Tôi là Tuấn Anh, 30 tuổi, ở quận Long Biên (Hà Nội), làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hiện tôi và gia đình đang sử dụng mẫu crossover Mazda CX-5 2.0L 2WD đời 2017, sau gần 10 năm gắn bó với chiếc sedan Toyota Corolla Altis 1.8 bản số sàn.
Mua xe vì đẹp, giá hợp lý
Chiếc Mazda CX-5 2.0L 2017 được tôi mua lại vào tháng 1/2020. Tại thời điểm đó, xe mới chạy hơn 30.000 km, chưa sửa chữa gì và bảo dưỡng đầy đủ. Do là xe của người quen nên tôi mua được với giá hơn 700 triệu đồng – khá phải chăng và phù hợp điều kiện tài chính gia đình.
Lý do tiếp theo tôi lựa chọn Mazda CX-5 là xe có ngoại thất đẹp. Dù không phải thế hệ mới nhất nhưng đời 2017 đã có kiểu dáng trẻ trung, hiện đại hơn và hợp mắt cả gia đình.
Bên cạnh đó, những bất tiện khi sử dụng chiếc Toyota Corolla Altis cũng góp phần không nhỏ dẫn tới quyết định đổi xe của gia đình tôi.
Cụ thể, hạn chế lớn nhất nằm ở không gian xe. Gia đình tôi thường xuyên về quê, khi chở 4 người, chiếc Corolla Altis cho cảm giác ngồi không thoải mái nếu chạy lâu. Không gian nhỏ cũng làm xe có mùi, khiến hành khách khó chịu, đặc biệt là phụ nữ.
Ngoài ra, tôi cũng muốn đổi từ xe số sàn sang số tự động để di chuyển thoải mái hơn, cũng như dễ cho thành viên nữ trong gia đình sử dụng.
Thời gian trước khi quyết định mua Mazda CX-5, tôi cũng có tham khảo một số mẫu xe khác như Mazda6, Hyundai Tucson hay Hyundai Kona. Tuy nhiên vì phù hợp với nhu cầu, kiểu dáng đẹp và giá tiền hợp lý nên cả gia đình quyết định mua CX-5.
Chi phí sử dụng thấp, còn một số nhược điểm
Chiếc Mazda CX-5 chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại trong nội thành của tôi và gia đình. Tôi dùng xe di chuyển hàng ngày còn bố mẹ lấy xe để đi chơi hoặc khám bệnh khoảng 1-2 buổi mỗi tuần.
Thời gian trước, gia đình tôi thường về quê hoặc tổ chức đi chơi xa hàng tháng nhưng giờ tạm hoãn do dịch Covid-19. Trung bình xe chạy 10-15 km/ngày. Hiện tại, tôi đã sử dụng chiếc CX-5 được hơn một năm, đi hơn 10.000 km.
Điểm hài lòng đầu tiên của tôi với chiếc CX-5 2.0L 2017 là ngoại thất – như đã nói ở trên. Ưu điểm thứ hai là xe đỡ mùi và bí hơn chiếc Corolla Altis rất nhiều, chở các bạn nữ không bị than phiền dễ say xe như trước.
Nhiều người nói với tôi hàng ghế sau của Mazda CX-5 hơi chật. Tuy nhiên, với gia đình tôi – gồm các thành viên cao khoảng 1,65-1,68 m – không gian cabin của chiếc CX-5 đủ thoải mái.
So với phiên bản 2.5L 2WD và 2.5L AWD, CX-5 2.0L bị cắt giảm một số tiện nghi nội thất như nhớ vị trí ghế lái, ghế phụ chỉnh điện nhưng vẫn đủ các tính năng hữu dụng với tôi như cruise control, tạm dừng động cơ i-stop, camera lùi, gương hậu chống lóa hay đèn và gạt mưa tự động.
Tôi lái xe khá cẩn thận và giữ gìn nên không phải sửa chữa gì nhiều, chi phí bảo dưỡng cũng tương đối thấp do không vào hãng. Từ lúc mua đến nay tôi cho xe đi bảo dưỡng 3 lần, tổng chi phí chưa đến 2 triệu đồng.
Mặc dù vậy, chiếc Mazda CX-5 2.0L 2017 vẫn gặp phải một số lỗi vặt và bất tiện trong quá trình sử dụng.
Đầu tiên phải kể đến lỗi gập gương, cứ đi dưới trời mưa hơi nặng hạt là hôm sau gương phải không tự động mở được, để một vài ngày lại bình thường. Tôi thay motor của hãng khác thì đến giờ không bị lỗi này nữa.
Ngoài ra, chiếc CX-5 của tôi từng gặp hiện tượng hệ thống i-stop không hoạt động. Tuy nhiên, sau khi thay ắc-quy thì lỗi này đã hết.
Cổng sạc nằm trong hộc để đồ, việc cắm sạc điện thoại hay dock sạc tương đối bất tiện, vướng víu.
Bên cạnh đó, hệ thống Mazda Connect của đời xe này cũng được trang bị ít chức năng, không hỗ trợ Apple CarPlay và có bản đồ chỉ đường khá kém. Vì vậy, tôi phải mua thêm camera hành trình Android.
Mặt khác, bệ tì tay trung tâm hàng ghế trước đặt lùi về sau nhiều, khiến tôi không để được tay. Một điểm trừ nữa là cổng sạc nằm trong hộc để đồ, việc cắm sạc điện thoại hay dock sạc tương đối bất tiện, vướng víu. Thêm vào đó, xe cũng thiếu cửa gió điều hòa hàng ghế sau.
Động cơ đủ dùng, tiết kiệm nhiên liệu
Chiếc Mazda CX-5 2.0L 2WD 2017 dùng động cơ 2.0L, công suất 155 mã lực, mô-men xoắn 203 Nm, hệ dẫn động cầu trước và hộp số tự động 6 cấp.
Mức hiệu năng này đủ đáp ứng nhu cầu di chuyển thông thường, tuy nhiên xe có độ ì nhất định. Với thanh niên hay người có phong cách lái trẻ trung như tôi, đó cũng là một điểm trừ.
Góc chữ A của xe cản trở tầm nhìn trong một số tình huống.
Để có cảm giác lái tốt hơn, tôi thường chuyển sang chế độ Sport. Lúc này mọi thứ khiến tôi khá hài lòng. Bàn đạp ga phản hồi nhạy hơn, xe chở 4 người trong phố, trên đường cao tốc hay đường đèo, dốc không gặp khó khăn gì.
Khi chạy đường trường ở tốc độ khoảng 80 km/h trở lên, xe có cảm giác tròng trành, bập bềnh. Càng đi nhanh tình trạng này càng rõ ràng và phần nào khiến tôi cảm thấy thiếu an toàn.
Đổi lại, động cơ của xe hoạt động ổn định, ít ồn, tôi chủ yếu chạy trong nội thành thì mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình khoảng 8-9 lít/100 km. Mỗi tháng tôi tốn 500.000-800.000 đồng chi phí nhiên liệu.
Thêm vào đó, độ ồn của xe khi vận hành cũng ở mức chấp nhận được khi so sánh cùng các dòng ôtô Mazda mà tôi đã chạy thử như Mazda2 hay Mazda3.
Chỉ đổi xe nếu “lên đời” Mercedes GLC
Không ít người nói với tôi Mazda CX-5 nhiều lỗi vặt, tuy nhiên tôi cho rằng xe nào cũng có khả năng gặp trục trặc vì đến con người còn có lúc ốm đau.
Tôi chỉ quan tâm đến một vài lỗi ảnh hưởng nhiều như gập gương (đã gặp và xử lý) hay lỗi “cá vàng” (xe tôi chưa bị). Còn lại quan trọng là cảm giác, cảm xúc khi lái xe. Giống như tình cảm vậy, khi bạn đủ yêu thì những sai lầm nho nhỏ đều bỏ qua được.
Với tôi, Mazda CX-5 2.0L 2WD 2017 có giá bán hợp lý, ngoại thất đẹp, nội thất bị cắt giảm option nhưng vẫn đủ dùng, chi phí sử dụng, sửa chữa tiết kiệm. Vì vậy, tôi và gia đình không có dự định chuyển sang mẫu xe khác trừ khi đủ điều kiện kinh tế để “lên đời” Mercedes GLC.
Bạn đọc Tuấn Anh