Thaco Mazda vừa chính thức ra mắt 2 mẫu SUV đô thị mới tại Việt Nam là Mazda CX-3 và CX-30. Đây là nhóm sản phẩm hãng xe Nhật đã “bỏ quên” lâu nay và đang được các đối thủ khai thác triệt để trong hơn một năm qua. Việc trình làng cùng lúc cả CX-3 và CX-30 có thể xem là động thái quyết liệt của Mazda để giành thị phần ở phân khúc xe gầm cao với mức giá từ khoảng 600 đến 800 triệu đồng.
Đối thủ chính của Mazda CX-30 2021 mới tại Việt Nam chính là Kia Seltos và Toyota Corolla Cross, 2 mẫu SUV 5 chỗ bán tốt nhất ở Việt Nam sau 3 tháng đầu năm. Trong khi đó, Mazda CX-3 hướng đến việc cạnh tranh với Ford EcoSport và Hyundai Kona, 2 “cựu vương” của nhóm SUV hạng B. Tuy có điểm tương đồng trong tên gọi, CX-3 và CX-30 có nhiều sự khác biệt về mặt thiết kế, thông số và hiệu năng vận hành. Dễ nhận thấy nhất là ngoại hình của CX-3 gọn gàng hơn so với CX-30.
Được phát triển từ Mazda2, CX-3 có chiều dài tổng thể 4.275 mm và chiều dài cơ sở 2.570 mm. Thông số này nhỉnh hơn so với EcoSport và Kona, nhưng lại kém khi đặt cạnh Peugeot 2008 hay Kia Seltos. Dù là bản facelift, CX-3 nay vẫn dùng các chi tiết nhận diện đã có trên loạt xe Mazda cách đây vài năm, chẳng hạn như lưới tản nhiệt có cách thanh kim loại nằm ngang, đèn trước và đèn hậu tròn trĩnh hay đèn sương mù trước đặt dọc.
Bên trong, khoang lái của CX-3 được “bê nguyên” từ Mazda2 với bảng tablo nằm ngang có màn hình 7 inch, cụm đồng hồ tốc độ gồm cụm analog nằm giữa 2 màn hình, vô-lăng kiểu 3 chấu…
Các trang bị nổi bật trên phiên bản cao cấp của Mazda CX-3 có thể kể đến kết nối Apple CarPlay/Android Auto, ghế lái chỉnh điện tích hợp nhớ vị trí, hiển thị vận tốc trên kính lái (HUD), tay lái tích hợp lẫy chuyển số, gương chiếu hậu chống chói tự động…
Danh sách an toàn của CX-3 thuộc diện tốt trong phân khúc với các tính năng thông minh trong gói i-Activsense. Mazda trang bị cho CX-3 đèn pha thích ứng, hỗ trợ phanh thông minh (SCBS), cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi và cảnh báo người lái mất tập trung.
Về mặt vận hành, các phiên bản Mazda CX-3 sử dụng động cơ xăng 1.5L tương tự Mazda2, công suất tối đa 110 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 144 Nm. Mẫu SUV cỡ nhỏ được trang bị hộp số tự động 6 cấp, chế độ lái Sport và hệ thống kiểm soát gia tốc. Mazda CX-30 là biến thể nâng gầm từ Mazda3 nên có kích thước tốt hơn CX-3, dài x rộng x cao lần lượt 4.395 x 1.795 x 1.540 mm và khoảng cách 2 trục đạt 2.655 mm. Thông số của CX-30 nằm giữa Seltos và Corolla Cross.
Với CX-30, ngoại hình của xe trông thanh thoát và hiện đại. Lưới tản nhiệt được viền crôm dày và đồ họa dạng tổ ong, hốc đèn sương mù nằm ngang, đèn chiếu sáng và đèn hậu tạo hình mảnh hơn, tương tự Mazda3. Các trang bị ngoại thất tương đồng giữa CX-3 và CX-30 có thể kể đến đèn chiếu sáng LED, đèn hậu LED, mâm xe hợp kim 18 inch. Riêng CX-30 có thêm cốp sau đóng mở điện.
Không gian hàng ghế sau của CX-30 rộng rãi hơn “đàn em” CX-3. Khoảng để chân và không gian trần dư dả đôi chút với người lớn cao 1,7 m. Độ rộng của băng ghế cũng tốt hơn CX-3. Hệ thống an toàn trên CX-30 có thêm chức năng kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn, cảnh báo lệch làn, hỗ trợ phanh thông minh phía trước (SBS-F), phanh tay điện tử, giữ phanh tự động, 7 túi khí…
Mazda phân phối CX-3 thế hệ mới tại Việt Nam với 3 phiên bản Deluxe, Luxury và Premium, giá bán dao động 629 đến 709 triệu đồng. Mức giá này tương đương với Ford EcoSport (603 đến 686 triệu đồng), Hyundai Kona (636 đến 750 triệu đồng) và dễ chịu hơn Peugeot 2008 (739 đến 829 triệu đồng).
Trong khi đó, Mazda CX-30 có 2 tùy chọn Luxury và Premium, giá bán dao động 839 đến 899 triệu đồng. Giá xe Mazda CX-30 đắt hơn Kia Seltos (609-729 triệu đồng) và tương đương 2 mẫu xe đồng hương Toyota Corolla Cross (720 đến 910 triệu đồng), Honda HR-V (786 đến 871 triệu đồng).