Để có những mẫu Bugatti lừng danh thời nay thì không thể quên công lao to lớn của cố chủ tịch Ferdinand Piëch . Trong thời gian làm giám đốc điều hành tại Volkswagen AG (1993-2002) không chỉ gây chú ý với việc đưa công ty phát triển vượt bậc sau thời kỳ khủng hoảng mà còn vì những ý tưởng khám phá và công nghệ mới. Mặc dù những thành tích của Piech đạt được trên cương vị giám đốc điều hành là vô cùng ấn tượng nhưng sự nghiệp kỹ sư ông còn để lại nhiều công trình vĩ đại cho hậu thế hơn nữa.
Trong vai trò này, ông đã có nhiều cải tiến, nâng cấp chất lượng từ những chiếc xe tiêu chuẩn như Porsche 917 racer đến hệ dẫn động bốn bánh quattro cùng một lọat các động cơ bao gồm diesel TDI và cỗ máy xăng 5 xi-lanh đầu tiên. Một trong những đổi mới tồn tại lâu nhất trong sự nghiệp lãnh đạo của Piech đó là thiết kế do chính người đàn ông này tạo ra, xuất phát từ phiên bản thử nghiệm mẫu động cơ W của VW và sau này là tiền đề cho động cơ của các mẫu Passat, Phaeton, Touareg và Audi A8. Đồng thời loại động cơ này cũng giúp hồi sinh hai thương hiệu huyền thoại Bentley và Bugatti.
Quá trình hình thành của động cơ W bắt nguồn từ một nơi không tưởng: Trên chuyến tàu tốc hành di chuyển giữa Tokyo và Nagoya, Nhật Bản. Năm 1997, sau một cuộc trò chuyện với ông Karl-Heinz Neumann – thời điểm đó là trưởng bộ phận phát triển hệ thống động lực của Volkswagen – Piech đã lấy một chiếc phong bì và phác thảo một ý tưởng quanh quẩn trong đầu ông bấy lâu nay. Động cơ VR6 6 xi-lanh được Volkswagen sử dụng rộng rãi vào giữa những năm 90; các xi-lanh có sự bù trừ vô cùng độc đáo khiến kích thước động cơ đủ nhỏ gọn để lắp vừa cả trên những mẫu xe nhỏ như Volkswagen Golf.
Bằng cách kết hợp hai động cơ VR6 chữ “V” có góc lệch giữa hai dãy xi-lanh được thu hẹp nên kích thước lốc máy đã trở nên gọn gàng hơn để từ đó động cơ W12 được ra đời. Những ý tưởng xuất phát từ chuyến đi trên tàu thậm chí còn mang tính biểu tượng hơn cả người đã nghĩ ra nó: một động cơ 18 xi-lanh “nhỏ gọn” bao gồm 3 động cơ VR6 tạo thành hình chữ W. Sau khi bước ra từ bản phác thảo trên phong bì, W18 là một cỗ máy có dung tích 6,25L hút khí tự nhiên công suất 555 mã lực.
Piëch đã vực dậy quá trình tăng trưởng với tư cách là Giám đốc điều hành của Volkswagen AG vào những năm 1990. Năm 1998, thỏa thuận với Buguatti được thực hiện và ngay lập tức Piëch đặt mục tiêu khôi phục vị thế của thương hiệu này với tư cách là nhà sản xuất những chiếc xe hàng đầu, hiện đại nhất, với động cơ W18 mới là tâm điểm. Cùng với sự hỗ trợ của nhà thiết kế huyền thoại Giorgetto Giugiaro của Itadesign, nguyên mẫu thiết kế Bugatti EB 118 đã được phát triển trong khoảng vài tháng ngắn ngủi. Sở hữu động cơ W18 đặt phía trước, EB118 lần đầu ra mắt tại Triển lãm ô tô Paris vào tháng 10 năm 1998. Thiết kế của chiếc xe ấn tượng mang tính tương lai nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng truyền thống của Bugatti.
118 ngày sau đó, động cơ W tiếp tục xuất hiện trên mẫu sedan EB 218 concept vào năm 1999, cùng với các nguyên mẫu EB 18/3 Chiron và EB 18/4 Veyron. Năm 2000, Piech thông báo Bugatti sẽ tung ra thị trường một mẫu xe thú vị, đầy sáng tạo và chưa từng có từ trước tới này. Nó sẽ có công suất gần 1000 mã lực, tốc độ ngoài 400km/h và tăng tốc từ 0-100km/h trong vòng chưa đầy 3 giây. Veyron sẽ cần phải trải qua quá trình thay đổi và nâng cấp để trở thành một chiếc xe thương mại.
Điều ấn tượng nhất trong số này là động cơ của nó: một mẫu concept năm 2001, EB16/4 Veyron có động cơ W16 về cơ bản là hai khối động cơ V8 kết hợp với nhau tạo một góc 90 độ. Nhờ các khối động cơ W16 được tách ra một góc 15 độ nên động cơ đủ nhỏ gọn để cho phép đặt 4 bộ tăng áp (số ‘4” trong “16/4”). Các số liệu thống kê cho thấy Veyron là một mẫu xe thương mại có sức mạnh khủng khiếp như đã hứa: Động cơ W16 8.0L, bốn tăng áp, công suất 1001PS hay 987 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.250Nm, tăng tốc từ 0-100km/h chưa đầy 3 giây và tốc độ tối đa ngoài 400km/h. Các mẫu Veyron khác sau đó thậm chí còn làm được hơn thế.
Tất nhiên, động cơ W18 và W16 không phải là nỗ lực duy nhất của Volkswagen nhằm đưa động cơ này sử dụng trên đường phố. Quay trở lại năm 1997, khi Piech đang trong quá trình phác thảo ý tưởng W18 thì cùng lúc đó ông và Giugiaro đang tạo ra một bản concept mà Piech hi vọng nó sẽ trở thành một chiếc siêu xe sử dụng động cơ W12. W12 Syncro ra mắt thế giới động cơ W tại Tokyo Motor Show 1997 sau đó một chiếc W12 Roadster xuất hiện tại Geneva Motor Show 1998. Tuy nhiên, bản concept W12 được biết đến nhiều nhất là Nardo. Được giới thiệu vào năm 2001, W12 Nardo trang bị động cơ W12 6.0 lít cho công suất 591 mã lực truyền tới bánh sau thông qua hộp số sàn 6 cấp.
Chiếc supercar này chưa bao gườ được sản xuất thương mại nhưng động cơ W của nó được tung ra thị trường với nhiều ứng dụng trên các mẫu xe khác nhau. Từ năm 2001-2004, động cơ W8 đã trở thành một tùy chọn cho Volkswagen Passat. Được kết hợp với hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian và có sẵn cả trên dòng wagon với hộp số sàn sáu cấp, W8 Passat hàng hiếm vẫn là một chiếc xe được nhiều người mê xe săn tìm cho tới ngày nay.
Động cơ W12 được sử dụng trên hai chiếc Volkswagen Phaeton và Touareg, cũng như Audi A8. Nổi tiếng nhất là động cơ W12 thế hệ mới được trang bị trên các mẫu Bentley từ đời 2003 trở đi. Giữa Bentley W12 và Bugatti W16 thì động cơ W đã trở thành động cơ tiêu chuẩn cho những mẫu xe sang hiệu suất cao. Những thành tích đó thực sự không tệ cho một thiết kế vốn có nguồn gốc từ một bản vẽ nháp trên chiếc phong bì trắng!