Hệ thống phanh ôtô giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình vận hành của xe, giúp xe giảm tốc hoặc dừng lại khi cần thiết. Nếu hệ thống phanh bị hỏng hoặc hoạt động không tốt sẽ làm mất an toàn, dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi vậy nên việc bảo dưỡng hệ thống phanh thường xuyên, đúng hạn là rất cần thiết.
Bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ sẽ đảm bảo chúng hoạt động tốt, giúp lái xe an toàn; tăng tuổi thọ cho hệ thống phanh. Phát hiện sớm ra các hư hỏng như mòn má phanh, mòn đĩa phanh,… sẽ có biện pháp sửa chữa thay thế kịp thời.
|
Bảo dưỡng hệ thống phanh sẽ giúp cho chiếc xe ôtô của bạn hoạt động trơn tru hơn, đảm bảo sự an toàn cho chủ xe. |
Khi nào cần bảo dưỡng phanh ô tô?
Thông thường, kiểm tra phanh xe là hạng mục bắt buộc trong tất cả các mốc bảo dưỡng xe ôtô phổ biến, từ bảo dưỡng 5000 km, 1 vạn, 3 vạn, 4 vạn…Tùy các mốc bảo dưỡng mà có những đợt kiểm tra chi tiết hơn đối với phanh tay, chân phanh, má phanh, và yêu cầu thay thế, sửa chữa nếu cần. Các chuyên gia ô tô khuyến cáo, sau khoảng 80.000km quãng đường xe di chuyển hoặc sau 2 năm vận hành xe, các tài xế hãy kiểm tra và thay thế má phanh mới. Đối với dầu phanh, tài xế được khuyên hãy thay dầu phanh 2 năm/lần.
Ngoài các mốc định kỳ như trên, bất cứ biểu hiện bất thường nào bạn ghi nhận được khi điều khiển xe cũng nên được lưu ý và đưa xe ra gara khi cần thiết.
Quan sát trong khi lái xe
Nếu thấy hệ thống phanh có những dấu hiệu dưới đây chủ xe cần đưa ôtô của mình đến trung tâm để bảo dưỡng phanh ôtô kịp thời:
– Đèn phanh lúc nào cũng sáng có thể do cảm biến ABS bị bẩn, cảm biến ở bánh xe bị hỏng, bộ điều khiển phanh ABS ngừng hoạt động hoặc do dầu phanh xuống thấp đến mức báo động.
– Khi phanh xe nhào về một bên, xe bị đảo là do lực phanh giữa các bánh xe không đều. Phanh không ăn có thể là do má phanh quá cứng hoặc mềm, má phanh mòn không đều hoặc cơ cấu phanh bị kẹt. Nếu đạp phanh thấy rung xe hoặc rung tay lái thì cần phải thay đĩa phanh hoặc đĩa phanh đã quá mòn cần phải tráng mặt lại.
– Nếu đạp bàn đạp phanh không thấy chắc hoặc bàn đạp gần như chạm sàn mới “dính” thì đó là những dấu hiệu phải kiểm tra. Hiện tượng này có thể là thiếu dầu thắng hoặc dầu bị rò rỉ nên không tạo ra đủ áp lực.
– Phanh bị bó là do phanh phải làm việc trong một thời gian dài liên tục, kẹt pit-tông phanh, không bảo dưỡng định kỳ, bảo dưỡng không đúng cách hoặc dùng sai loại mỡ bôi trơn trong một thời gian dài.
– Có tiếng kêu bất thường khi phanh hoặc âm thanh kim loại chà vào nhau, điều này cho biết má phanh đã mòn. Nếu không sửa chữa kịp thời sẽ dẫn ra nhiều nguy hại trầm trọng.
|
Nếu thấy hệ thống phanh có những dấu hiệu không ổn định, chủ xe cần đưa ôtô của mình đến trung tâm để bảo dưỡng phanh kịp thời. |
Quan sát khoang động cơ
Khi không lái xe, bạn có thể mở nắp capo xem lại lượng dầu phanh trữ trong hộp, làm việc này mỗi tháng một lần. Nếu mực dầu xuống thấp thì cần phải thêm vào, nếu mực dầu sút giảm thường xuyên là do hệ thống bị rò rỉ (có thể trong các đường ống dầu của hệ thống).
Chú ý: Trước khi cho dầu vào hộp, cần lau sạch miệng chai nhớt để các chất bẩn không rơi vào trong hệ thống. Ðồng thời, đừng để cho dầu thắng nhỏ xuống thành xe, nhất là những chỗ có sơn, bởi vì dầu thắng làm hỏng nước sơn ở thân xe.
Chuyên gia khuyên rằng nên thường xuyên mở nắp hộp dầu để kiểm tra màu của chúng. Dầu mới sẽ trong hoặc mờ, còn dầu cũ sắp hết hạn thì có màu đậm, bẩn vì có thể nhiễm bụi đất,… Nếu dầu phanh đã đổi màu thì nên thay luôn cả chỗ dầu đó chứ không đổ thêm vào xe.
Nên thay dầu phanh ôtô sau thời gian sử dụng từ 2 – 3 năm là lý tưởng nhất. Song điều này cũng còn phụ thuộc vào mức độ sử dụng phanh của xe mà thời gian có thể nhanh hoặc chậm hơn. Nếu xe sử dụng thường xuyên, hay phải đi đường đèo dốc, hệ thống phanh phải hoạt động liên tục thì thời gian thay dầu phanh sẽ ngắn hơn mức khuyến cáo. Còn nếu xe ít dùng phanh, thường đi trên cung đường bằng phẳng thì thời gian thay dầu phanh có thể lâu hơn.
|
Thay dầu phanh ô tô sau thời gian sử dụng từ 2 – 3 năm là tốt nhất. |
Kiểm tra hệ thống ống dẫn dầu
Kiểm tra xem các đường dây dẫn dầu mềm và đường ống kim loại cứng có bị rò, han rỉ, nứt, rạn chỗ nào không. Nếu xe có hiện tượng này thì cần mang xe tới trung tâm sửa chữa để được kiểm tra và thay thế kịp thời.
Cần phải kiểm tra tất cả đường ống kim loại chạy dọc theo chiều dài của xe và đường ống cao su chuyển dầu đến bánh xe. Với ống dẫn mềm, phải xem có chỗ nào sần sượng không, bởi đó là dấu hiệu báo trước sẽ bị rò rỉ. Không để các đường ống này chạm vào bộ phận di động trong xe hoặc những bộ phận tỏa nhiệt như ống bô.
|
Kiểm tra hệ thống ống dẫn dầu |
Ðể ý xem đĩa phanh có bị trầy xước không, hao mòn đến đâu. Nếu mặt đĩa phanh bị trầy xước nặng thì cần phải mang xe đến trung tâm kiểm tra lại, cần thiết thì tráng mặt hoặc thay luôn. Má phanh mòn không đều là do có thể là do kẹt ắc phanh, đĩa phanh mòn không đều hoặc kẹt pit-tông phanh.
Các chuyên gia kỹ thuật khuyên rằng: Kiểm tra và thay má phanh ô tô sau 38.000km hoặc sau 2 năm sử dụng. Trong trường hợp xe thường xuyên di chuyển trong khu vực đông dân cư, phải phanh nhiều thì thời gian thay phanh sẽ sớm hơn. Vì vậy thời điểm thay má phanh đĩa phụ thuộc vào điều kiện đường mà xe hay di chuyển và chế độ bảo dưỡng của người dùng
|
Chủ xe cần bảo dưỡng hệ thống phanh thường xuyên để đảm bảo an toàn. |
Quy trình bảo dưỡng phanh ôtô
Các bước bảo dưỡng phanh ôtô cơ bản tại trung tâm bao gồm: Kiểm tra hành trình tự do bàn đạp phanh; Kiểm tra hoạt động của hệ thống phanh; Kiểm tra độ dày và tình trạng má phanh; Kiểm tra cao su chụp bụi; Kiểm tra đường ống phanh; Kiểm tra tình trạng tắc phanh; Kiểm tra pit-tông phanh; Tra dầu mỡ; Kiểm tra đèn báo phanh; Kiểm tra dầu phanh; Chạy thử.
Khi có đầy đủ dụng cụ thì bạn hoàn toàn có thể thay má phanh và dầu phanh ôtô tại nhà, cách thực hiện cũng không quá khó so với thay má phanh xe máy và thay dầu phanh xe máy là bao.
Để lái xe an toàn cũng như kéo dài tuổi thọ cho hệ thống phanh thì các chủ xe cần đi bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ. Chủ động kiểm tra xem phanh xe của mình có gặp vấn đề gì không, sớm phát hiện các tình trạng dấu hiệu hoạt động kém để từ đó có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, vệ sinh thắng xe ôtô thường xuyên để đảm bảo cùm phanh và các bộ phận khác được sạch sẽ.