Ai cũng ít nhất một lần rơi vào tình trạng chạy xe khi kim xăng chạm vạch đỏ. Những lúc như vậy, chủ xe cảm thấy lo lắng vì không rõ xe còn đi được bao lâu mới đến được trạm xăng gần nhất, thậm chí xót xa vì xe bị tổn hại.
Không ít người lầm tưởng, khi kim xăng chỉ vạch E (Emtry) trên đồng hồ cảnh báo và biểu tượng cây xăng đổi màu (thông thường là màu da cam), thì xe khó có thể di chuyển được thêm một quãng đường dài. Tuy nhiên sự thực không phải vậy.
Đối với xe ô tô (kể cả xe máy), các nhà sản xuất thiết kế hệ số an toàn trong chi tiết cảnh báo nhiên liệu nhằm giúp người điều khiển có thể chủ động khi xe đang dần cạn nhiên liệu, tránh được tình trạng xe bị dừng đột ngột do hết xăng. Hệ số này có thể được tìm thấy trong sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc catalog thông số ký thuật xe, thông thường khi đèn báo xăng phát sáng khi nhiên liệu chạm ở mức dự trữ.
Trên thực tế, không có bất kỳ tiêu chuẩn nào quy định về mức nhiên liệu được dự trữ trong các loại bình xăng. Tuy nhiên nếu đèn xăng đã chạm vạch E thì đồng nghĩa với việc trong bình chứa chỉ còn khoảng 10 – 15% dung tích tổng thể của bình nhiên liệu… Từ con số này có thể dựa vào mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của xe mà tính toán được quãng đường chiếc xe có thể tiếp tục vận hành với lượng xăng còn lại.
Một cách rất hiệu quả và có ích để cho các tài xế xác định được số km mà xe có thể tiếp tục đi lại là thông qua cơ sở dữ liệu trực tuyến trên “Tank On Empty”. Để sử dụng thì chủ xe chỉ cần nhập thông tin chiếc xe và tổng quãng đường đã đi qua sau khi đèn bật sáng, từ đó hệ thống có thể tự tính toán quãng đường xe vẫn có thể tiếp tục di chuyển.
Lưu ý, dung tích động cơ không giống nhau ở các dòng xe, chính vì vậy, số km chạy thêm được khi kim xăng chỉ về E cũng khác nhau. Thêm vào đó, mức tiêu thụ nhiên liệu còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan khác như cách điều khiển phương tiện của người lái, điều kiện thời tiết, đặc điểm đường xá, địa hình…. nên quãng đường chạy được của xe khi kim xăng báo sáng cũng tùy theo hoàn cảnh và trường hợp.
Lưu ý rằng, nếu cố điều khiển xe khi kim xăng chạm tới vạch E cũng có khả năng gây tổn hại đến hệ thống nhiên liệu của xe. Do vậy, các lái xe không nên chủ quan để bình nhiên liệu cạn kiệt mới tìm trạm đổ, việc này không chỉ làm chết máy mà còn tiềm ẩn gây hại cho hệ thống bơm xăng. Một số lái xe có kinh nghiệm lâu năm chia sẻ, chạy xe an toàn là khi bình xăng còn 1/4 hoặc đèn báo còn khoảng 20 – 30 km thì nên đổ xăng.