– Ơ xe trước mặt phanh gấp ông ơi!
Chiến Phương – bạn đồng hành của tôi – tỏ ra hoảng hốt rồi lại thở phào nhẹ nhõm như chưa có chuyện gì xảy ra. Sau một hồi giải thích là chiếc Subaru Forester đang đi có trang bị EyeSight, cậu bắt đầu cảm nhận được sự an toàn của công nghệ này và an tâm hơn.
Subaru Forester mới trang bị gói công nghệ EyeSight.
Subaru vẫn luôn được nhiều người gọi là “Porsche châu Á” nhờ sở hữu động cơ boxer cùng trải nghiệm lái ấn tượng. Nhưng bên cạnh đó, hãng xe Nhật vẫn còn những bản sắc riêng không thể bỏ qua mà một trong số đó là công nghệ an toàn EyeSight.
Tháng 1/2018, tại triển lãm ôtô Singapore, Subaru chính thức giới thiệu tới truyền thông và khách hàng công nghệ EyeSight. Hãng xe Nhật Bản tự hào công bố hoàn thiện bốn giá trị cốt lõi bao gồm: Động cơ Boxer, Hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian đối xứng S-AWD, Hệ Khung gầm toàn cầu SGP và Công nghệ hỗ trợ người lái EyeSight.
Có mặt tại Singapore năm đó, ông Koichi Abe, kĩ sư cấp cao của Subaru khẳng định hãng sẽ tập trung phát triển các mẫu xe gắn liền với EyeSight. Đây cũng là một trong những bước tiến lớn, trong quá trình hướng đến việc phát triển một chiếc xe thông minh trong tương lai của hãng.
Ông Koichi Abe – Kĩ sư cấp cao của Subaru.
Nhiều người từng đặt cho EyeSight một cái tên thuần Việt là “Mắt thần”, nghe thì có vẻ vô lý nhưng lại cực kỳ thuyết phục. EyeSight là một tổ hợp các chức năng hỗ trợ lái, trong đó dữ liệu thu thập được thông qua các mắt thần là các stereo camera gắn phía sau kính lái. Các camera này sẽ thu về những hình ảnh 3 chiều, có màu và chất lượng tốt nhất về thực tế tình trạng giao thông đang diễn ra.
Qua những gì thu thập được, một hệ thống điện tử thông minh sẽ tiến hành phân tích dữ liệu một cách chính xác trong một thời gian cực ngắn. Điều này sẽ giúp đưa ra phương án tối ưu nhất nhằm giảm thiểu tối đa va chạm đang có nguy cơ gặp phải. Người lái sẽ nhận được những cảnh báo tăng dần theo mức độ, từ đèn báo, hình ảnh, âm thanh hay thậm chí hệ thống sẽ can thiệp vào phanh và vô-lăng.
Hai stereo camera gắn trên kính lái
Trong nền công nghiệp xe hơi hiện nay, nhiều hãng xe tên tuổi cũng phát triển cho riêng mình các công nghệ an toàn tiên tiến. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, EyeSight của Subaru có nhiều ưu thế nhờ sử dụng kết hợp cả radar và camera thu hình màu, giúp việc phân tích dữ liệu hiệu quả hơn. Theo báo cáo của Subaru, Eyesight đã giúp giảm tỷ lệ tai nạn đâm xe từ phía sau lên tới 85%.
Quay trở lại với anh bạn của tôi – Chiến Phương, 23 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mang nét đặc trưng của thế hệ trẻ thủ đô – năng động, nhiệt huyết và ham học hỏi. Đón Chiến tại phố Tôn Đức Thắng, một khu vực luôn rất đông đúc nhưng chẳng hề làm khó chiếc Forester mà tôi đang cầm lái.
– Lại mượn được xe đi chơi à, hãng gì thế ông ơi?
– Subaru, xe Nhật, ngon… đấy!
Subaru Forester 2.0 I-S EyeSight
Chưa dứt lời, chiếc xe bỗng phanh gấp, hai chúng tôi hơi chúi người về phía trước một chút. Hóa ra là EyeSight đang hoạt động, phát hiện có xe phía trước dừng đột ngột, xe tự động dừng trước một khoảng cách anh toàn. Chỉ một phản ứng nhỏ, chiếc Subaru Forester cũng đủ sức làm chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn cho hành trình phía trước. Chiến tỏ ra bất ngờ khi biết đây chỉ một trong sáu tính năng an toàn tiêu biểu của công nghệ này.
Vốn tính tò mò, lại thích tìm hiểu về công nghệ, cậu bạn bắt đầu màn hỏi đáp với tôi một cách dồn dập như phiên chất vấn trong một cuộc họp của quốc hội. Hàng loạt câu hỏi liên tiếp xuất hiện. Công nghệ gì mà hay thế? Tính năng gì lạ vậy? Tí ra cao tốc cho tôi thử phát!
Tôi lần lượt giải thích như một chuyên gia thật sự. Đầu tiên là tính năng hỗ trợ Phanh khẩn cấp phòng tránh va chạm (Pre-Collision Braking). Tính năng này giúp xe tránh khỏi va chạm trước hoặc giảm thiểu các tác động trực diện trong các tình huống thực tế. Cảnh báo này có thể bằng hình ảnh, âm thanh hay thậm chí tác động tối đa lực phanh trong các tình huống khẩn cấp. Một nghiên cứu của IIHS (Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Hoa Kỳ) cho thấy EyeSight giảm 35% tỷ lệ yêu cầu bảo hiểm liên quan đến người đi bộ.
Chưa hết, EyeSight còn có hệ thống Kiểm soát chân ga trước va chạm (Pre-Conllision Throttle Management). Với tính năng này, dù đang ở số D mà phía trước có vật cản, EyeSight sẽ phát âm thanh cảnh báo trước khi ngắt hoàn toàn lực kéo động cơ (trong 4 giây) để tránh va chạm. Công suất sinh ra từ động cơ sẽ bị giảm đi để hạn chế tối đa lực tác động lên phía trước, ngăn ngừa thiệt hại cho người và xe. Có thể thấy rằng, tính năng này sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng nhầm chân ga với chân phanh vốn đang vẫn tồn tại trong một bộ phận tài xế Việt. Chiến đồng tình, tuy nhiên không quên dặn dò tôi không nên thử tính năng này trong mọi tình huống.
Tới đèn đỏ, khi đang thao thao bất tuyệt với câu chuyện về kiểm soát chân ga, tôi quên mất đèn đã chuyển sang xanh. Bỗng nhiên xe lại phát ra mấy tiếng tít tít, hóa ra là phía trước mọi người đã đi hết mà chúng tôi vẫn còn ở đó. Thật là không hay khi tôi lại chính là người cản trở giao thông lúc này. Chiến cũng cảm thấy ái ngại thay cho tôi khi một vài người đi xe máy nhìn vào với ánh mắt không mấy thiện cảm. Đây cũng là một tính năng thuộc Eyesight, có tên gọi Cảnh báo xe phía trước di chuyển (Lead Vehicle Start Alert).
Ra đến đại lộ Thăng Long, Chiến hào hứng tranh luôn phần lái xe của tôi. Một tính năng được nhiều người ưa thích tại Việt Nam là Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control – ACC). Theo đó, khi kích hoạt kiểm soát hành trình, Chiến sẽ đồng thời chọn khoảng cách muốn giữ với xe phía trước. EyeSight sẽ tự điều chỉnh tốc độ của xe để duy trì khoảng cách này gần như không đổi. Đây cũng là lần đầu tiên cậu bạn sử dụng tính năng này sau nhiều lần thử cruise control thông thường. Tôi tiếp bài thuyết trình: “Khi xe phía trước tăng tốc hoặc đi chậm lại, xe của mình cũng sẽ tăng tốc theo hoặc cùng đi chậm để giữ khoảng cách như ông đã chọn trước đó”.
Apdaptive Cruise Control tích hợp trên vô-lăng
Cuối cùng, tôi cũng nói đến tính năng thứ 5 và 6 thuộc gói công nghệ EyeSight – Cảnh báo chệch làn và đảo đường (Lane Sway & Departure Warning). EyeSight kết hợp dữ liệu từ camera, theo dõi vị trí của xe trong phạm vi giữa hai vạch chia làn đường để đưa ra phản ứng kịp thời. Nghe xong, quan sát an toàn rồi bất ngờ Chiến vờ đánh lái nhẹ để xe hơi lấn vạch kẻ đường. Nhận thấy dấu hiệu xe bị lệch khỏi làn đường do vô tình, chiếc xe phát ra thông báo trên màn hình. Vẫn chưa tin, Chiến thử thêm một vài lần, xe lại tiếp tục cảnh báo bằng âm thanh. Tuy nhiên, tôi cũng bổ sung là tính năng này chỉ thật sự phát huy tác dụng trên những cung đường có vạch kẻ đường rõ ràng, thường là đường cao tốc.
Cứ như thế, buổi thử xe của chúng tôi diễn ra một cách trọn vẹn với hàng loạt những bài tập từ giả lập đến thực tế như thế. Bên cạnh tính năng an toàn, chiếc Forester 2.0 I-S Eyesight còn trang bị nhiều công nghệ đáng giá. Nào là động cơ Boxer trứ danh với bốn xi-lanh nằm đối đỉnh dung tích 2 lít, cho công suất 156 mã lực và mô-men xoắn cực đại 196Nm. Động cơ này kết hợp với hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian S-AWD giúp cả tôi và Chiến hoàn toàn tự tin vượt qua những địa hình khó trên cung đường quốc lộ 6, hồ Ba Khan.
Cuối ngày hôm đó, trước khi Chiến xuống xe, tôi cũng định hỏi vài câu nhưng không nghĩ màn hỏi đáp lần này lại diễn ra nhanh như thế. Tôi bắt đầu: “Ông thấy xe này thế nào, ngon không?”. Đáp lại vẻ mặt đang hí hửng chờ đợi, Chiến thủng thẳng đáp mấy chữ gọn lỏn rồi mở cửa vào nhà mà không cần biết phản ứng của tôi.
– Không chê vào đâu được!
Anh Vũ