Cụ thể, phiên bản tiêu chuẩn Subaru Forester i-L giá 1,128 tỷ đồng có mức giảm cao nhất 159 triệu, về mức 969 triệu đồng. Hai bản i-S giá mới 1,119 tỷ đồng và i-S EyeSight 1,209 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt 99 triệu và 79 triệu đồng.
Bên cạnh mức ưu đãi hàng chục triệu đồng, phiên bản i-S và i-S EyeSight được tặng thêm màn hình giải trí kết nối Apple CarPlay/Android Auto. Riêng bản i-S có thêm camera 360 độ.
Ngoài nhu cầu đẩy hàng tồn do đời sản xuất xe 2020, cách định giá Subaru Forester khá cao ngay từ khi mở bán (1,128 – 1,288 tỷ đồng) cũng là lý do khiến nhà phân phối thương hiệu Nhật thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi để kích cầu. Có thời điểm, mẫu xe của Subaru giảm giá hơn 200 triệu đồng.
Dù mức giá mới được thiết lập trong tháng 5 (969-1.209 triệu đồng), Subaru Forester vẫn còn đắt hơn các đối thủ như Mazda CX-5 (839-1.059 triệu), Honda CR-V (998-1.118 triệu) hay Hyundai Tucson (799-940 triệu).
Subaru không công bố số liệu bán hàng nhưng với nguồn gốc nhập khẩu, giá cao hàng đầu phân khúc, Forester khó lòng so sánh doanh số với các đối thủ như CR-V, CX-5, Tucson, Outlander. Tuy nhiên, Forester hiện là mẫu xe chủ lực doanh số của hãng này tại Việt Nam. Chuyển từ nhập Nhật Bản sang Thái Lan giúp mức giá của Forester dễ tiếp cận hơn nhưng đặt trong tương quan với các đối thủ, tính cạnh tranh của mẫu xe này không cao.
Forester được đánh giá cao ở cảm giác lái nhờ khung gầm ổn định, động cơ đối xứng Boxer và hệ dẫn động bốn bánh. Hãng không còn dùng công nghệ tăng áp như thế hệ cũ để đổi lấy hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn trên bản mới, trong khi hiệu suất hoạt động của động cơ giảm đi phần nào. Thiết kế còn khá bảo thủ, thiếu nét cá tính hiện đại cũng là một trong những nguyên nhân khiến Subaru Forester chưa tạo được nhiều dấu ấn trong phân khúc, nơi các đối thủ như Tucson, CX-5, CR-V liên tục thay đổi.
Hết quý I/2021, Mazda CX-5 dẫn đầu doanh số phân khúc khi bán 2.569 xe. Xếp sau lần lượt là Hyundai Tucson 1.840 xe, Honda CR-V 1.169 xe, Mitsubishi Outlander 507 xe.
Phạm Trung