Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm âm lịch, nhiều chủ ôtô tại TP HCM lại “rồng rắn” xếp hàng tại các cửa hàng chuyên tân trang xe ở một số tuyến đường như An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ, Trần Bình Trọng, Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ. Có người phải chờ từ sáng đến chiều mới tới lượt.
Khách tăng gấp 5-6 lần
Ông Đào Anh Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết cuối năm nào ông cũng dành riêng một ngày để đưa xe đi “tút” lại. “Biết là làm vào cuối năm thì các cửa hàng rất đông khách, mất nhiều thời gian nhưng nếu đem xe tân trang sớm quá thì tới Tết là xe xuống sắc, không còn bóng đẹp. Tôi chấp nhận chờ đến cận Tết mới làm để có xe mới đi đây đi đó” – ông Ngọc nói và cho rằng đó cũng là tâm lý chung của nhiều chủ xe.
Ông Đinh Dũng Tuấn, chủ tiệm ôtô trên đường An Dương Vương, cho biết kể từ sau ngày 23 tháng chạp, lượng khách đến tân trang xe tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Vào cuối tuần hoặc cận Tết (khoảng 29, 30 tháng chạp), lượng khách có thể tăng mạnh 5-6 lần.
“Một tuần nay, nhân viên cửa hàng tôi đã phải tăng ca để kịp trả xe cho khách. Nếu dịch Covid-19 được khống chế tốt, nhu cầu tự lái xe đi chơi, đi du lịch Tết không bị ảnh hưởng thì lượng khách trong 2-3 ngày tới sẽ còn tăng mạnh hơn nữa” – ông Tuấn dự đoán.
Theo ghi nhận của phóng viên, giá dịch vụ làm đẹp xe thời điểm này đã bắt đầu tăng 10%-20% so với ngày thường. Ông Trần Văn Bình, chủ tiệm ôtô trên đường Trần Bình Trọng, cho hay giá dịch vụ tăng là vì thuê thợ thời vụ vào dịp này phải trả công gấp 1,5-2 lần bình thường. Dù vậy, vẫn có một số tiệm giữ giá dịch vụ như ngày thường bởi đa số người đến tân trang xe cuối năm là khách quen.
“Chủ xe có nhu cầu làm đẹp xe nên mang xe đến tiệm sớm bởi càng cận Tết mới làm thì chất lượng khó như mong muốn. Khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần nên thợ làm không kỹ, chưa kể nghề của thợ tuyển theo thời vụ không được thành thạo” – ông Bình lưu ý.
Ôtô nối đuôi nhau chờ làm đẹp dịp Tết tại khu vực quận 5, TP HCM
Những dịch vụ mà chủ xe yêu cầu tân trang trong dịp Tết chủ yếu là xử lý vết trầy xước trên bề mặt sơn, đánh bóng sơn, phủ nano, làm sạch ghế xe, bọc nỉ hoặc bọc da ghế, lắp thêm thiết bị âm thanh, camera hành trình… Giá dịch vụ xử lý vết trầy sơn phụ thuộc vào từng vị trí, ví dụ sơn lại vết trầy ở gương giá khoảng 250.000 đồng, sơn nắp capô 1,8 triệu đồng, sơn cột chữ A khoảng 700.000 đồng, nóc xe 1,8 triệu đồng, cánh cửa 950.000 đồng, hông xe 900.000 đồng, nắp bình xăng 250.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu sơn nguyên xe, giá dao động trên dưới 20 triệu đồng.
Với dịch vụ làm mới xe như phủ bóng ceramic, giá khoảng 4,5-6,5 triệu đồng, hiệu chỉnh bề mặt sơn từ 1,7-2,5 triệu đồng, tẩy ố kính từ 600.000 đến 1 triệu đồng, sơn phủ gầm 3,5-5,2 triệu đồng, vệ sinh nội thất từ 900.000 đến 1,5 triệu đồng, tẩy bụi sơn 800.000 đồng, dọn gầm xe 1 triệu đồng.
“Đối với đánh bóng sơn, để có chất lượng tốt nhất thì phải thực hiện cả 3 bước theo tiêu chuẩn quy định, còn nếu khách muốn tiết kiệm tiền thì có thể thực hiện 1-2 bước. Giá bước 1 từ 1-1,5 triệu đồng, bước 2 từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, bước 3 từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Chúng tôi để khách được thoải mái lựa chọn” – chủ một cơ sở tân trang xe cho hay.
Dịch vụ dán phim cách nhiệt cũng được nhiều chủ xe yêu cầu trong dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu đi chơi xa. Giá cả dịch vụ này chênh lệch khá nhiều giữa các cửa hàng. Theo giải thích của chủ các cửa hàng tân trang xe, mặt hàng phim cách nhiệt xuất xứ từ Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật… có giá cao hơn khá nhiều so với sản phẩm từ Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).
“Nếu có nhu cầu dán phim cách nhiệt, chủ xe nên đến tiệm uy tín để được cung cấp mức giá hợp lý, rõ ràng về xuất xứ, chất lượng và có chế độ bảo hành; tránh tình trạng mua nhầm phim kém chất lượng với giá cao ngất ngưởng” – ông Bùi Trung Hậu, chủ tiệm ôtô ở TP Thủ Đức, khuyến cáo.
Khách hàng cũng có thể lựa chọn các gói tân trang cho xe với mức giá mềm hơn so với lựa chọn làm đẹp từng bộ phận. Theo đó, gói cơ bản (5-7 dịch vụ) có mức phí từ vài triệu đồng, gói tiêu chuẩn (hơn 10 dịch vụ) giá khoảng 10 triệu đồng và gói nâng cao có giá hơn 20 triệu đồng. Mức giá có thể tăng thêm nếu khách chọn hóa chất, nguyên liệu ngoại nhập và công nghệ xử lý chất lượng cao.
Nhiều cách tự làm đẹp xe
Thời điểm cuối năm nhu cầu chăm sóc, làm đẹp xe rất lớn nên nhiều garage, xưởng dịch vụ thường rơi vào tình trạng quá tải. Thế nên việc tự chăm sóc xe ô tô ở các công đoạn đơn giản khiến chủ nhân tiết kiệm được khoản kha khá cũng như hiểu hơn về chiếc xe của mình.
1. Vệ sinh ghế ngồi
Bước đầu tiên cần làm là vệ sinh chiếc xe sạch sẽ. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị một chiếc máy hút bụi gia đình hoặc loại cầm tay nhỏ, hút hết các bụi bẩn còn bám trên ghế xe, các vị trí nội thất xung quanh.
Chất liệu da đem lại cảm giác sử dụng thoải mái và sự sang trọng hơn nhiều so với chất nỉ. Tuy vậy đi kèm với nó là mức giá đắt đỏ cùng cách thức bảo quản cầu kỳ. Hiện tại có thể chia chất liệu da trên ghế xe hơi thành 2 loại phổ biến. Loại da trang bị trên các hãng xe hơi Mỹ, Nhật như Ford, Toyota,… và loại da từ các hãng xe châu Âu như Mercedes, BMW…
Đối với ghế nỉ pha bột giặt vào nước nóng, khuấy đều. Sau đó dùng mút nhúng vào dung dịch xà phòng lau chùi cẩn thận. Chú ý điều chỉnh lượng nước vừa đủ, không để ghế bị sũng nước. Sau khi lau sạch các vết bẩn, dùng khăn ướt cọ mạnh để làm sạch xà phòng dính trên ghế. Lặp lại nhiều lần cho tới khi hết hoàn toàn bọt xà phòng. Cuối cùng bật điều hòa cho ghế nhanh khô và không có mùi ẩm mốc.
Đối với ghế da, việc vệ sinh phải cẩn thận hơn. Chú ý làm sạch bụi bẩn, lông tóc bị sót lại ở các rãnh ghế, đây là các tác nhân gây xước, hư hỏng da khi lau chùi. Sử dụng dung dịch vệ sinh ghế da và khăn lau làm từ sợi Microfiber chuyên dụng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những dụng cụ này ở cửa hàng phụ kiện xe hơi. Trong quá trình lau, tránh làm ướt sũng bề mặt da. Sau khi vệ sinh bằng dung dịch, sử dụng khăn khô để lau sạch, để xe khô tự nhiên. Tiếp tục thoa đều kem dưỡng chuyên dụng lên bề mặt da. Chất bảo vệ sẽ khiến da trông bóng bẩy tự nhiên, tránh rạn nứt trong quá trình sử dụng.
2. Làm sạch ngoại thất
Có rất cửa hàng rửa xe nên việc thường xuyên làm sạch ô tô hẳn đã không còn khó khăn. Tuy nhiên, tự mình rửa xe tại nhà lại khá thú vị. Thường xuyên rửa xe không chỉ giúp cho ô tô luôn sạch sẽ, loại bỏ được bụi đường nhựa cây và các chất làm hại đến nước sơn, dàn đồng của xe. Nhất là khi xe bạn đã đi qua những vùng đất đỏ, vùng biển. Ngoài ra, khi rửa xe nên có ít nhất hai chiếc xô đựng nước và hai miếng bọt biển, một để lau thân xe, và một để làm sạch bánh xe.
3. Kiểm tra nước sơn và kính chắn gió xe ô tô
Thời điểm rửa xe chính là lúc thích hợp nhất để kiểm tra bề mặt ô tô. Cần quan sát kỹ càng những chỗ xước, bong tróc ở lớp sơn bên ngoài vì chúng có thể dẫn đến tình trạng gỉ. Tương tự, những vết nứt và hư hại ở kính chắn gió cũng cần được quan tâm đúng mức. Khi lái xe, chỉ cần gặp sương dày, xóc nảy mạnh hay va đập với đá thì những hư hại nhỏ đến đâu cũng có thể làm hỏng kính chắn gió gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần gạt nước cũng cần được kiểm tra thường xuyên. Đừng đợi đến lúc kính bẩn, để lại vết xước hay phát ra tiếng kêu rồi mới phát hiện ra vấn đề. Hãy thay thế miếng cao su của cần gạt nước nếu chất lượng không đảm bảo.
4. Các loại dầu và lốp xe
Trung bình xe ô tô cần thay dầu nhớt sau khoảng 5.000km. Tuy nhiên, nếu bạn lái xe ô tô vào những đoạn đường nóng, bụi, hay đèo dốc, đường khắc nghiệt gây ảnh hưởng đến ma sát bào mòn của xe thì bạn nên thay sớm hơn.
Tương tự như dầu nhớt thì kiểm tra dầu trợ lực và dầu phanh rất quan trọng sau mỗi chuyến đi dài. Việc kiểm tra cẩn thận giúp bạn an toàn hơn khi lái xe ô tô ra đường. Cuối cùng là lốp xe có thể bị ảnh hưởng do xe đi trên địa hình nhiều ổ gà, ổ voi, đất đá dẫn đến non hơi, nứt vỏ, cán phải đinh,… cần kiểm tra để sớm nhận ra tình trạng của lốp, tránh dẫn đến tai nạn.
Nguồn : nld.com.vn
Hoang Long