Các hiệp hội cho rằng hoạt động của Grab vướng nhiều sai phạm theo Nghị định 10 có hiệu lực từ ngày 1/4, đồng thời các vấn đề về giá cước, thuế và BHXH còn bất cập.
Mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM gửi văn bản đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab. Văn bản nêu rõ, sau 6 tháng Nghị định 10 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4), hoạt động của Grab chưa có gì thay đổi và còn nhiều sai phạm, bất cập.
Cụ thể, các hiệp hội cho rằng Grab đang hoạt động trái phép khi chưa được một sở giao thông vận tải nào cấp giấy phép kinh doanh vận tải mà vẫn ngang nhiên hoạt động và mở rộng đến nhiều tỉnh, TP.
Trong khi đó, phần mềm của doanh nghiệp này không trích xuất được danh sách hành khách đối với các chuyến xe chở từ 2 hành khách trở lên, đồng thời giao diện không thể hiện đầy đủ các thông tin của hợp đồng điện tử theo quy định như người đại diện đơn vị vận tải ký hợp đồng hay logo của đơn vị vận tải.
Bên cạnh đó, phương tiện của Grab bị tố không dán đầy đủ nhận diện theo quy định như chữ “xe hợp đồng” ở kính trước, sau xe và logo của đơn vị vận tải bên thân xe.
Theo các hiệp hội taxi 3 miền, những điều này vi phạm các quy định trong Nghị định 10 của Chính phủ và Thông tư 12 của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, sự bất cập trong giá cước của Grab cũng được chỉ ra trong văn bản kiến nghị. Các đơn vị này nhận định, mặc dù Grab hoạt động như taxi (người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ) nhưng không phải kê khai giá, dẫn đến tình trạng giá cước tăng giảm liên tục 200-300% trong ngày tùy theo khung giờ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp taxi phải kê khai giá, mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh thì phải điều chỉnh giá cước cho phù hợp.
“Việc này là rất bất bình đẳng, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Chính vì không phải kê khai giá nên đã có tình trạng Grab âm thầm thu phí nền tảng của hành khách mà hành khách không hề hay biết với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi ngày”, văn bản nhấn mạnh.
Một điểm bất bình đẳng khác được các hiệp hội đưa ra là các tài xế chạy Grab được nộp thuế khoán với mức 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Còn các doanh nghiệp vận tải khác nộp theo mức 10% thuế GTGT và 20% thuế TNDN.
Đặc biệt, hiệp hội taxi 3 miền còn nêu vấn đề bảo hiểm xã hội, khi Grab có khoảng 120.000-130.000 tài xế nhưng hầu như không ai nộp bảo hiểm xã hội. Văn bản dẫn chứng trong đợt dịch Covid-19, hàng nghìn tài xế của Grab nằm trong đối tượng được Chính phủ trợ cấp.
“Như vậy có thể thấy rằng Grab đang kinh doanh thu lợi nhuận nhưng trách nhiệm an sinh xã hội lại đẩy về cho Nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn cần phải quản lý chặt chẽ để ngân sách không bị thất thoát”, các hiệp hội khẳng định.
Với những lập luận này, hiệp hội taxi 3 miền đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan giám sát việc thanh, kiểm tra toàn diện hoạt động của Grab, qua đó xác định những sai phạm, bất cập này và xử lý theo quy định.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp taxi yêu cầu có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của Grab để đảm bảo khách quan, công bằng và minh bạch vì sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành vận tải.
Nguồn: Zing.vn