Sau 2 năm khởi công xây dựng, tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng (Hà Nội) đã chính thức được hoàn thiện và đưa vào khai thác, thông xe từ 6h sáng ngày hôm nay (9/11/2020). Trong khi đó, đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy vẫn chưa thể hoàn thành do vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết xong.

Tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng đã chính thức được thông xe từ ngày hôm nay.
Cũng giống như đường vành đai 3 trên cao, tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng cấm xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi và chỉ cho phép xe ô tô được sử dụng. Theo phân luồng giao thông, ô tô được phép lưu thông trên tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng và ngược lại với vận tốc lên tới 80 km/h theo thiết kế. Tại 2 đầu đường (Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng) có các dải phân cách với biển mũi tên chỉ hướng phản quang để đảm bảo an toàn cho các phương tiện.

Tuyến đường vành đai 2 trên cao chỉ cho phép ô tô được lưu thông.
Với việc chính thức khai thác tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng, nút giao thông Ngã Tư Sở sẽ được thí điểm cách thức tổ chức giao thông mới. Theo đó, tại nút giao này sẽ cấm xe trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng, thay vào đó những xe đi từ hướng Tây Sơn phải rẽ phải vào đường Láng và quay đầu tại điểm mở giải phân cách (gần trạm xăng khu vực đường Láng – Ngã Tư Sở) để đi thẳng hướng đường Trường Chinh hoặc rẽ phải đi Nguyễn Trãi.

Nút giao Ngã Tư Sở sẽ thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông, không cho phép xe từ đường Tây Sơn rẽ trái vào Trường Chinh hoặc đi thẳng sang Nguyễn Trãi.
Được khởi công xây dựng vào tháng 4/2018, dự án tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn tư cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng được đầu tư bởi Tập đoàn Vingroup. Trong đó, tuyến đường trên cao bằng cầu cạn sẽ có tổng chiều dài là 5,1 km và chiều rộng lên tới 19 m. Còn phần đường vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng dài 3,1 km sẽ được mở rộng với mặt cắt từ 53,5 cho đến 63,5 m cùng quy mô lên tới 8 làn xe gồm 6 làn cho xe cơ giới và 2 làn giành cho xe thô sơ, có dải phân cách rộng 4 m ở giữa và vỉa hè rộng từ 4 – 6 m mỗi bên.
Theo kế hoạch, tổng dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với mức đầu tư lên tới gần 9.500 tỷ đồng. Với việc khai thác trước mắt tuyến đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng, TP. Hà Nội kỳ vọng sẽ giảm tải được lưu lượng giao thông khu vực đường Trường Chinh, đặc biệt là nút giao Ngã Tư Sở vốn gây nhức nhối trong nhiều năm.
Lan Châm