Tối 29/3 (giờ địa phương), kênh đào Suez được thông trở lại sau khi siêu tàu Ever Given được giải thoát khỏi bãi cạn và di chuyển đi. Tàu Ever Given đã mắc cạn sau trận gió lốc mạnh vào sáng sớm ngày 23/3 (giờ địa phương), chắn ngang kênh đào Suez và làm gián đoạn tuyến đường vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu. Với việc chắn ngang kênh đào Suez, Ever Given có phải là chiếc tàu lớn nhất thế giới? Ảnh: EPA.
Ever Given thuộc top tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (Golden-class) và là một trong những tàu lớn nhất thế giới còn hoạt động. Siêu tàu này thuộc sở hữu của công ty Shoei Kisen Kaisha (Nhật) và đang được thuê bởi công ty vận chuyển Evergreen Marine. Ảnh: kees torn.
Ever Given có chiều dài tổng thể 399,9 m, nơi rộng nhất là 58,8 m, sâu 32,9 m và độ mớn nước 14,5 m. Siêu tàu này dài gần bằng 4 sân bóng đá chuẩn quốc tế, mỗi sân dài 105 m. Tàu có tổng tải trọng 220.940 tấn và sức chứa 20.124 thùng container (loại 6,1 m). Ảnh: gCaptain.
Tương tự các tàu chở hàng hạng nặng khác, Ever Given sử dụng động cơ diesel 11 xy-lanh thẳng hàng, cho ra tổng công suất 79.500 mã lực tại 79 vòng/phút. Động cơ này giúp siêu tàu di chuyển với vận tốc trung bình 22,8 hải lý/giờ. Ngoài ra, tàu này còn có động cơ đẩy ở mũi tàu công suất 3.400 mã lực để ra vào cảng. Ảnh: VesselFinder.
Kích thước lớn nhất trong nhóm tàu container là bộ đôi Barzan và MOL Triumph với chiều dài tổng thể 400 m. Được đóng bởi Hyundai Heavy Industries, Barzan có chiều rộng 58,6 m, độ mớn nước 16 m. Barzan giữ vị trí tàu container lớn nhất thế giới từ khi được hoàn thành vào năm 2015. Ảnh: Hummelhummel.
Dù kích thước lớn hơn Ever Given, tải trọng và sức chứa của Barzan đều kém hơn siêu tàu vừa bị mắc kẹt tại kênh đào Suez. Barzan có tải trọng 195.636 tấn và sức chứa 18.800 container. Ảnh: huhuuet.
Trong khi đó, MOL Triumph có kích thước nhỉnh hơn Barzan đôi chút. Chiều dài tổng thể vẫn là 400 m nhưng nơi rộng nhất của MOL Triumph khoảng 58,8 m. Được hoàn thành vào năm 2017 bởi Samsung Heavy Industries, MOL Triumph đang là tàu container lớn nhất thế giới khi nhỉnh hơn Ever Given ở chiều dài và Barzan ở chiều rộng. Ảnh: VesselFinder.
MOL Triumph cũng là chiếc tàu đầu tiên có sức chứa vượt 20.000 thùng container, đạt 20.170 container. Tàu Ever Given ra mắt một năm sau đó cũng vượt mốc 20.000 container nhưng chưa thể soán ngôi của MOL Triumph. Ảnh: Maritime.
MOL Triumph có tải trọng 192.672 tấn, độ mớn nước 16 m. Cung cấp sức mạnh cho siêu tàu là động cơ MAN B&W G95ME, sản sinh công suất 110.550 mã lực. MOL Triumph có vận tốc trung bình 22 hải lý/giờ, vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ. Ảnh: gCaptain.
Thuộc top tàu lớn nhất thế giới còn có Valemax, tàu chở quặng sắt từ châu Mỹ đến châu Âu và châu Á. Valemax có chiều dài tổng thể 362 m, chiều rộng 65 m, sâu 30 m và độ mớn nước 23 m. Tàu này có tải trọng 200.000 tấn nhưng khối lượng tổng thể lên đến 400.000 tấn. Với các thông số này, Valemax là tàu chở hàng rời lớn nhất còn hoạt động. Ảnh: gCaptain.
Trước đó, vị trí này thuộc về loạt tàu chở dầu như Seawise Giant, Batillus. Các tàu này có chiều dài tổng thể lên đến 458 m, tải trọng tối đa 275.000 tấn và tổng khối lượng vượt mốc 500.000 tấn. Hiện tại, loạt tàu này đã ngưng hoạt động. Ảnh: Jacques Girard.
Được sử dụng trong suốt thời gian từ năm 1961 đến 2012, USS Enterprise là tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân. Đây còn là tàu quân đội dài nhất thế giới từng được sử dụng. Với chiều dài tổng thể 342 m, USS Enterprise còn lớn hơn những mẫu tàu sân bay sau này của Mỹ như Nimitz, Gerald R. Ford. Ảnh: Mate Airman Rob Gaston.
Minh Quân