Hầu hết người dùng ôtô đã quen với việc trên xe có sẵn lốp dự phòng. Dù không được sử dụng thường xuyên, lốp dự phòng vẫn được xem như món “bảo bối” để cứu người lái trong những tình huống lốp chính gặp sự cố như thủng hay nổ. Tuy nhiên, trang bị này đang dần được loại bỏ vì nhiều lý do.
Nhiều mẫu ôtô không còn trang bị lốp dự phòng
Trang How Stuff Works liệt kê ra một vài nguyên nhân phổ biến khiến nhiều ôtô không trang bị lốp dự phòng. Đó là giúp giảm khối lượng xe, tiết kiệm chi phí sản xuất hay xe đã được trang bị loại lốp có khả năng di chuyển ngay cả khi hết hơi (lốp run-flat).
Lốp dự phòng dần bị loại bỏ. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Tại Mỹ, khảo sát của Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA) cho biết gần 30% ôtô sản xuất từ năm 2017 không còn lốp dự phòng. Quy định về xe cơ giới của Ấn Độ cũng không còn bắt buộc ôtô phải có lốp dự phòng.
Đa số các mẫu xe sang như Porsche Macan hay Mercedes-Benz S-Class đều không có lốp dự phòng, thay vào đó hãng trang bị cho các mẫu xe này bộ lốp run-flat với khả năng tiếp tục di chuyển thêm một đoạn đường ngắn ngay cả khi lốp hết hơi.
Ford EcoSport dùng lốp thường và không có lốp dự phòng. Ảnh: Ford.
Tuy nhiên không phải mẫu xe nào bỏ lốp dự phòng cũng dùng lốp run-flat, Ford EcoSport tại Việt Nam là ví dụ điển hình. Để hỗ trợ người dùng trong những sự cố về lốp, nhà sản xuất đã bổ sung thêm cho xe bộ dụng cụ vá lốp khẩn cấp và bơm điện.
Lốp run-flat – trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe
Lốp run-flat được ra đời vào khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ 20. Ngày nay, loại lốp này dần phổ biến trên các mẫu xe tầm trung trở lên. Lốp run-flat được chia thành 2 loại dựa theo cấu trúc, gồm lốp chịu lực trực tiếp (self-supporting system) và chịu lực có hỗ trợ (support ring system).
Mục đích tạo ra loại lốp này là cho phép xe có thể tiếp tục di chuyển sau khi lốp bị thủng và hết hơi. Với lốp thông thường, người dùng buộc phải vá lốp nếu muốn tiếp tục di chuyển hoặc thay lốp dự phòng hoặc gọi xe cứu hộ đến kéo. Bên cạnh đó, lốp run-flat cũng giúp xe ổn định hơn trong trường hợp lốp bị hết hơi đột ngột.
Nhiều mẫu xe sang được trang bị sẵn lốp run-flat. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Tại Việt Nam, hầu hết lốp run-flat là loại chịu lực trực tiếp với phần hông lốp cứng. So với loại chịu lực có hỗ trợ, lốp run-flat chịu lực trực tiếp nhẹ và tiết kiệm chi phí hơn. Bù lại, quãng đường di chuyển khi lốp hết hơi sẽ thấp hơn lốp chịu lực có hỗ trợ.
Từng loại lốp run-flat khác nhau sẽ có quãng đường di chuyển tối đa khi lốp hết hơi khác nhau. Chẳng hạn như lốp run-flat của Bridgestone cho phép xe di chuyển thêm 80 km với vận tốc tối đa 80 km/h.
Như vậy trên lý thuyết, những mẫu xe sử dụng lốp run-flat đều sẽ an toàn khi di chuyển trên đường và không cần thiết phải mang theo lốp dự phòng.
Lốp run-flat cho phép xe tiếp tục di chuyển ngay cả khi hết hơi. Ảnh: Bối Hạ.
Lốp run-flat có thật sự phù hợp với đường sá Việt Nam?
Ngoài những ưu điểm nêu trên, lốp run-flat cũng tồn tại nhiều hạn chế so với lốp thông thường.
Nhược điểm đầu tiên mà nhiều người dùng lốp run-flat tại Việt Nam phàn nàn là ồn, do cấu tạo phần hông cứng nên khả năng hấp thụ rung động bị giảm đi, khiến cho tiếng ồn từ lốp vọng lên khoang lái khá nhiều, điều kiện đường sá một số nơi còn kém càng gây ra nhiều tiếng ồn hơn.
Anh Trần Thanh Tuấn, người dùng Mercedes-Benz GLC 300 đời 2019, cho biết lúc đầu anh rất thích bộ lốp run-flat nhờ ưu điểm có thể tiếp tục chạy khi lốp hết hơi. Tuy nhiên loại lốp này cứng nên khiến người ngồi bên trong không cảm thấy thoải mái, tiếng ồn trong xe cũng ngày càng tăng khi lốp bị lão hóa.
Nhờ khả năng có thể chạy ngay cả khi lốp bị thủng, các mẫu xe dùng lốp run-flat đều được loại bỏ lốp dự phòng. Đồng nghĩa với việc chủ xe phải nhanh chóng mang xe đến tiệm vá lốp nếu muốn tiếp tục hành trình khi lốp hết hơi, điều này không phải là vấn đề khi sử dụng xe ở các thành phố lớn hay đô thị. Tuy nhiên đây lại là rắc rối nếu lỡ bị thủng lốp ở những khu vực hẻo lánh.
“Tôi từng phải gọi xe cứu hộ để mang chiếc xe của mình đến tiệm vá vì lốp run-flat bị thủng ở khu vực vắng vẻ. Nếu xe có lốp dự phòng thì tôi đã tiết kiệm được chi phí lẫn thời gian”, anh Trịnh Minh Huy, chủ xe BMW X6, chia sẻ.
Không có nhiều cửa hàng có thể vá được lốp run-flat đúng cách. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Lốp run-flat cũng yêu cầu tay nghề thợ sửa cao hơn do cấu tạo của lốp dày và cứng hơn lốp thông thường. Anh Khang, nhân viên tại một cửa hàng lốp ôtô tại TP.HCM, cho biết độ dày thành lốp run-flat khoảng 20-30 mm, trong khi lốp thường có độ dày chỉ khoảng 7-10 mm. Người thợ buộc phải có kỹ thuật mới có thể tháo vỏ khỏi mâm và vẫn đảm bảo mâm còn nguyên vẹn.
Do cấu tạo cứng, lốp run-flat có độ bám đường kém hơn lốp thông thường. Hầu hết dòng xe thiên về hiệu suất và khả năng vận hành đều dùng lốp thông thường để cho độ bám đường tốt hơn.
Cân nhắc khi dùng lốp run-flat đi chơi xa
Dù tồn tại nhiều nhược điểm, lốp run-flat vẫn là trang bị tiêu chuẩn trên nhiều dòng xe của Mercedes-Benz hay BMW. Trong điều kiện sử dụng hàng ngày, lốp run-flat giúp người lái cảm thấy an tâm hơn, không lo sợ việc bị thủng lốp và “nằm đường”.
Tuy nhiên, loại lốp này có thể khiến cho những chuyến đi chơi trở thành “ác mộng” nếu bị thủng hoặc hư hỏng ở khu vực hẻo lánh. Trong trường hợp này, lái xe chỉ còn cách gọi xe kéo đến.
Trên các hội nhóm sử dụng xe trang bị lốp run-flat, các thành viên thường khuyên nên thay lốp thường nếu đi chơi ở các khu vực xa, ít tiệm sửa xe. Ngoài ra, tự trang bị thêm lốp dự phòng cũng là một cách xử lý, dù khiến chiếc xe trở nên chật chội và nặng hơn đôi chút.
Người dùng cần cân nhắc trang bị thêm lốp dự phòng khi di chuyển xa. Ảnh: Vĩnh Phúc.
Nhìn chung, lốp run-flat thích hợp cho những người sử dụng xe di chuyển hàng ngày trên phố với mặt đường phẳng, êm ái. Nếu muốn an tâm hơn khi đi chơi xa ở các khu vực hẻo lánh, người dùng cần trang bị thêm lốp dự phòng cũng như bộ vá lốp khẩn cấp.
Vĩnh Phúc