Nếu như ở các khu vực có đường xá rộng rãi, ít người qua lại, việc dừng đỗ xe ô tô là việc khá đơn giản, thì ngược lại, ở các thành phố lớn, nơi đường phố chật hẹp, đông phương tiện, lái xe cần phải hết sức chú ý nếu không muốn bị phạt nặng.
Dừng và đỗ xe khác nhau như thế nào?
Nhiều người không phân biệt được rõ khái niệm dừng và đỗ xe, dẫn đến những sai lầm khi dừng đỗ. Tại điều 18, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định:
– Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
|
Trong khu vực nội đô, lái xe cần phải hết sức chú ý dừng đỗ. |
– Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Như vậy, hiểu một cách nôm na, dừng và đỗ xe khác nhau về mặt thời gian. Dừng xe chỉ là tạm thời và đi kèm với những hành động của người sử dụng xe như cho người lên/xuống, xếp dỡ hàng hóa,… Trong khi đó, đỗ xe không giới hạn thời gian; xe có thể đỗ tại một địa điểm vài tiếng, thậm chí là nhiều ngày.
Dừng đỗ xe như thế nào cho đúng luật?
Điều 18 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rõ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
– Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
– Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
– Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
– Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
– Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
– Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
– Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Riêng đối với việc dừng xe trên đường phố, tại các khu vực đô thị, lái xe cần chú ý thêm các quy định về dừng đỗ xe như sau:
– Người lái ô tô không được dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho xe bus nhanh BRT, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
– Không được phép đỗ, dừng xe song song với một xe khác đang dừng hoặc đỗ; không được che khuất biển báo hiệu đường bộ; trước cổng hoặc trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
– Không được đỗ tại nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; phía bên trái của đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất.
Nhìn chung, tại các khu vực đô thị, việc dừng đỗ xe sẽ phải tuân theo nhiều quy định hơn so với các loại đường thông thường. Điều này xuất phát từ việc đường phố thường chật hẹp, đông đúc, dễ xảy ra ùn tắc giao thông hơn.
Ngoài ra, tại đường phố có nhiều công trình ngầm, hạng mục phòng cháy chữa cháy nên nếu dừng đỗ không đúng quy định có thể gây cản trở giao thông, tổn hại về vật chất, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ,…
Nguyên tắc khi dừng đỗ xe tại đường phố
Các chuyên gia giàu kinh nghiệm đưa ra những nguyên tắc khi dừng đỗ xe tại đường phố để đảm bảo an toàn, đồng thời tránh bị xử phạt như sau:
– Quan sát trước khi dừng, đỗ: Trước khi muốn dừng, đỗ xe tại một khu vực nào đó, lái xe cần quan sát trước xe đoạn phố đó có biển cấm dừng đỗ xe hay không? Đồng thời quan sát địa điểm cần dừng đỗ có nguy cơ gây ùn tắc giao thông, vi phạm các quy định cấm dừng đỗ không?
– Khi bước ra khỏi xe: Trước khi mở cửa xe cần quan sát phía trước và sau. Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn, tai nạn bất ngờ có thể dễ dàng xảy ra.
– Khi dừng xe: Nếu chỉ dừng xe, lái xe tuyệt đối không được tắt máy, đồng thời bật đèn tín hiệu (đèn xi-nhan hoặc đèn khẩn cấp) để các phương tiện khác dễ dàng nhận biết.
– Khi đỗ xe: Tại đường phố, cần chú ý nhất những nguyên tắc sau đây: Đỗ xe cách mép đường tối đa 25cm; Không đỗ xe trên vỉa hè; Không đỗ xe trước cửa cơ quan, điểm giao nhau và nơi mặt cắt đường quá hẹp; Không đỗ xe tại vạch kẻ đường dành cho người đi bộ;… Đây là những vị trí nhạy cảm, rất dễ gây ùn tắc giao thông, đồng thời dễ bị các lực lượng chức năng xử phạt.
– Đỗ xe trên đoạn đường dốc: Phải chèn bánh để đảm bảo xe không bị trượt xuống khi đỗ tại đoạn đường dốc. Nếu chỉ dùng phanh tay, chiếc xe vẫn có thể bị trôi, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Đồng thời, chèn bánh ở những đoạn đường dốc sẽ giúp giảm lực hãm cho phanh xe, giúp phanh và hộp số bền hơn.
– Luôn để lại số điện thoại khi đỗ xe: Lái xe nên để lại số điện thoại liên hệ ở vị trí dễ quan sát trên xe như sau kính lái để người khác có thể liên lạc khi cần thiết. Nhiều trường hợp lái xe đỗ xe trong thời gian dài, gây bất tiện bức xúc, dẫn đến những hành động không mong muốn.
Các mức tiền tài xế có thể bị phạt nếu dừng đỗ xe sai quy định theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 200-400 nghìn đồng đối với các hành vi: Dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định
– Phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với các hành vi: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
– Phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi: Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt; Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: nơi đường bộ giao nhau hoặc trong phạm vi 05m tính từ mép đường giao nhau; điểm dừng đón, trả khách của xe buýt; trước cổng hoặc trong phạm vi 05m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ô tô ra vào; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ; nơi mở dải phân cách giữa; Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
– Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi: Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.