Hiện tại, tàu Cát Linh – Hà Đông đang vận hành thử nghiệm mỗi ngày để nghiệm thu và đánh giá để bàn giao cho thành phố Hà Nội trước khi chuyển giao cho Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) để quản lý, vận hành và khai thác. Theo đó, từ ngày 12/12/2020 vừa qua, mỗi ngày có tổng cộng 287 lượt tàu chạy với mỗi lượt trong giờ cao điểm mất từ 5 – 6 phút.
Dự kiến khi chính thức khai thác thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mỗi ngày sẽ có 9 – 10 đoàn tàu được vận hành với bình quân 3 phút/lượt dừng đón/trả khách tại các ga. Trước đó, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé, trong đó vé lượt tính theo chặng sử dụng, khởi điểm từ 8.000 đồng và lên tới 15.000 đồng/lượt cho toàn tuyến. Tiếp đến, giá vé ngày sẽ là 30.000 đồng, không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong 1 ngày và vé tháng sẽ là 100.000 đồng đối với nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố và 200.000 đồng đối với hành khách thông thường.

Giá vé tháng dự kiến của tuyến tàu Cát Linh – Hà Đông ngang với giá vé tháng liên tuyến của hệ thống xe buýt hiện tại.
Khi chính thức khai thác vào năm 2021, hành khách sử dụng tàu Cát Linh – Hà Đông mua vé thông qua một hệ thống bán vé tự động hoặc tại quầy. Vé sẽ được phát hành dưới dạng thẻ sử dụng để thông qua cửa soát vé tự động.
Được biết, có 50 tuyến xe buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Trung tâm Quản lý Giao thông Công cộng TP. Hà Nội sẽ tổ chức phương án kết nối các tuyến xe này với các tuyến xe buýt hiện đang khai thác.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất bổ sung thêm 17 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt trên cao và đồng thời chuẩn bị phương án bố trí các điểm trông giữ xe đạp, xe máy phục vụ người dân sử dụng tuyến đường sắt đô thị.
Lan Châm