Theo thông báo số 377/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. Đây chính là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô, hoặc hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận rằng việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp và sản phẩm ô tô Việt Nam.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Trước đó, vào ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, bao gồm quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Theo bảng phụ lục của nghị định này, có 27 nhóm với hàng trăm chủng loại linh kiện phụ tùng ô tô được hưởng thuế suất 0%. Điều kiện để doanh nghiệp ô tô được hưởng thuế nhập 0% theo Nghị định 57 là sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cho mẫu xe, cho doanh nghiệp phải đáp ứng được, điều này đã và đang được các hãng tập trung triển khai.
Nếu chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe lắp ráp trong nước được thông qua, giá xe có lẽ sẽ được giảm bớt. Hiện nay giá xe lắp ráp tại Việt Nam chịu chi phí lớn nhất là thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và linh kiện theo dung tích, thấp nhất là 35%, cao nhất là khoảng 150%, thông thường, các mẫu xe có dung tích xi lanh dưới 2.5L là khoảng 45-35%, giá trị xe hoặc linh kiện. Mức thuế cao khiến chi phí sản xuất tăng lên, giá xe tại Việt Nam đắt hơn xe các nước trong khu vực từ 10-20%.
Cũng theo dự thảo mới, các linh kiện ô tô do VinFast nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 13/11/2018 đến ngày 31/12/2020 để sản xuất, lắp ráp 200 xe ô tô và 100 cụm linh kiện xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ mục đích kiểm nghiệm, thử nghiệm sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Khi xuất khẩu xe ô tô, cụm linh kiện ra nước ngoài để kiểm nghiệm, thử nghiệm, VinFast được miễn thuế nhập khẩu, đối với các linh kiện đã nộp thuế nhập khẩu từ trước thì sẽ được khấu trừ sau. Trường hợp VinFast phải nhập khẩu ô tô, linh kiện trở lại thì vẫn phải nộp thuế theo quy định.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)