Rao xe tai nạn vẫn khẳng định “lành lặn”
Câu chuyện người mua ô tô cũ nhận “trái đắng” vì tin tưởng người bán không mấy xa lạ tại Việt Nam. Dù đã có nhiều câu chuyện bị đưa lên mặt báo, mạng xã hội nhưng nhiều người bán vì lợi nhuận vẫn thông tin không đúng sự thật về xe.
Liên tiếp trong vài ngày qua, có tới 2 trường hợp rao bán xe với những lời quảng cáo có cánh, “bao check” bị dân mạng bóc phốt là xe tai nạn.
Mới đây, một bài đăng bán xe Mercedes-Benz C250 Exclusive thuộc model 2015 với mức giá 760 triệu đồng, rẻ hơn mặt bằng chung rất nhiều, đi kèm cam kết không đâm đụng, ngập nước được cộng đồng mạng chú ý tới.
Tuy nhiên, không phải giá xe rẻ mà vì những hình ảnh tai nạn của chính chiếc xe này trước đó được cộng đồng mạng “truy vết”, công bố.
Cụ thể, vào ngày 14/5/2019, chiếc Mercedes-Benz C 250 Exclusive trong bài viết đã gặp tai nạn và đâm vào một cây xanh nằm trên quốc lộ 32, hướng Hà Nội đi Phú Thọ. Theo những hình ảnh ghi lại từ vụ tai nạn, chiếc Mercedes-Benz C 250 Exclusive đã đâm rất mạnh vào thân cây khiến đầu xe vỡ nát. Phần cản sau cũng bị biến dạng không hề nhẹ.
Ngay sau khi bị “bóc phốt”, chủ bài đăng đã xóa toàn bộ thông tin về chiếc xe. Tuy nhiên, những hình ảnh lưu lại vẫn đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Hay một bài đăng khác rao bán chiếc Hyundai Elantra 2.0 AT đời 2017 BKS: 89A-104.55 với quảng cáo “bao check hãng toàn quốc” với giá 556 triệu đồng. Nghe có vẻ tương đối yên tâm về chất lượng song chỉ ít lâu sau, sáng 9/3, cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ bức ảnh chính chiếc xe mang BKS này từng gây tai nạn chết người vào đêm 21/11 trên Quốc lộ 38, thuộc phường An Tảo, TP. Hưng Yên.
Vén màn chiêu trò hô biến xe tai nạn
“Việc kiểm tra xe cũ, kể cả check hãng hay nhờ thợ ngoài kiểm tra đều rất hên xui vì có nhiều lỗi khó phát hiện. Khi mua xe cũ phải chấp nhận mua cả rủi ro, đến thợ salon hay thợ trong hãng còn có thể nhầm thì không có gì đảm bảo”, một người từng làm nhân viên tại đại lý ô tô cho biết.
Một thợ sửa xe tại Hà Nội cho hay, công nghệ dọn (sửa chữa) xe tai nạn, ngập nước, xóa dấu vết hiện giờ rất cao nên cũng không thể khẳng định 100% xe không đâm đụng, tai nạn và hầu như cũng không bên nào cam kết việc này bằng văn bản.
Ví như có những xe bị đâm nát phần đầu, có thể sửa chữa bằng cách mua cả nửa phần đầu mới của xe bên Lào hay Campuchia về để thay thế rồi hàn, bấm đinh tán, chạy chỉ lại như mới, khó có thể phát hiện.
Thậm chí, người này còn tiết lộ, hiện có những garage chuyên sửa chữa xe tai nạn nặng, đâm đụng, ngập nước rồi sau đó bán ra thị trường. Hay biến xe đã từng chạy taxi thành xe cá nhân, gia đình để bán với giá cao hơn.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đã là xe cũ thì nói chung sẽ có nhiều vấn đề hơn xe mới, trong đó tiềm ẩn nhiều rủi ro chất lượng kém, mất an toàn. Thời gian vừa qua báo chí trong nước đã phản ánh khá nhiều trường hợp khách hàng mua phải xe đã đâm đụng va quệt, xe bị ngập nước, xe đã chạy nhiều nhưng những thông tin này bị người bán che dấu, không cung cấp đầy đủ và chính xác cho người mua… gây bức xúc trong người dân, dư luận. Nếu không tăng cường quản lý thì những vấn đề như vậy sẽ tiếp tục tiếp diễn, vì không phải người dân nào đi mua xe (dù là xe máy hay ô tô ) có nhiều kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật.
Bởi vậy tại Việt Nam, việc thiết kế một hệ thống để cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về lịch sử phương tiện cho người dân, tăng cường quản lý chất lượng xe cũ để bảo đảm an toàn và quyền lợi của khách hàng là việc cần thiết và đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý trong thời gian tới.
Trong quá trình xây dựng Luật GTĐB sửa đổi và các văn bản pháp luật khác, những vấn đề trên đã được đưa ra, bàn thảo và đã được đưa vào dự thảo nhằm hình thành các hệ dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng, phương tiện, bảo hiểm, thuế, người lái, vi phạm, tai nạn giao thông,…. Đây là nền tảng rất quan trọng để tiến tới xây dựng các hệ dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ dùng chung trong thời gian tới.
Hiện nay có rất nhiều cơ quan quản lý có liên quan điều tiết trách nhiệm dân sự của 2 bên mua và bán xe. Bởi vậy ngoài những quy định pháp luật có tính chuyên ngành về giao thông vận tải và phương tiện vận tải, cần nghiên cứu hoàn thiện các luật khác có liên quan như: Luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Thương mại … theo hướng tăng cường tính minh bạch và chính xác của thông tin phải được cung cấp tới khách hàng, trách nhiệm của người bán, đảm bảo quyền lợi của người mua, khiếu nại…
Trong vấn đề này vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng rất lớn, họ cần phải có đề nghị rõ ràng với các cơ quan quản lý và cơ quan lập pháp về việc này. Tránh tình trạng như hiện nay đang dồn hết trách nhiệm lên người đi mua xe. Nếu có kiến thức, thông tin, quan hệ,… thì may mắn mua được chiếc xe cũ tốt, nếu không có thể rước cục nợ vào người đó là điều hoàn toàn không đúng.
Theo Báo Giao thông