Tiếng ồn khó chịu, gây ù tai, mệt mỏi và mất tập trung là một trong những vấn đề mà người dùng ô tô phổ thông tại Việt Nam thường xuyên gặp phải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tiếng ồn từ động cơ, gầm xe, lốp hoặc âm thanh lọt từ đường phố bên ngoài vào.
Để giảm tiếng ồn cho chiếc ô tô của mình, một số chủ xe đã áp dụng những biện pháp như dùng miếng dán cách âm, sơn phủ gầm, bọc trần hay sử dụng gioăng cao su. Tuy nhiên, không phải biện pháp cách âm nào cũng phát huy tác dụng như quảng cáo, thậm chí còn mang đến cái kết “đắng” cho chủ xe. Đoạn chia sẻ của tài khoản Facebook N.N dưới đây là ví dụ điển hình.
“Dành cho bác nào còn có ý định dán chống ồn cánh cửa!
Bài hơi dài mong các bác cố đọc hết.
Sau 1 ngày hì hục để có thể tháo hết các miếng dán chống ồn 4 cánh cửa, em nhận thấy không có cái dại nào giống cái dại nào.
Đầu tiên, mất tiền dán chống ồn cánh cửa. Chưa biết hiệu quả như thế nào, nhưng sau 1 thời gian, bụi và nước sẽ đọng lại ở các khe miếng chống ồn, gây hiện tượng han phía trong mặt cánh cửa. Lâu ngày sẽ nổ sơn và hỏng tôn cánh cửa.
Tiếp đến, muốn khắc phục triệt để thì phải tháo hết các miếng chống ồn. Dán mới thì dễ chứ tháo ra thì xương lắm các bác nhé. Cái này em có đồ tự làm chứ các bác mà ra quán chắc tiền công bằng tiền dán mất.
Cuối cùng là đi khắc phục lại cánh cửa (gò, hàn, bả, sơn) lại mất thêm một mớ tiền nữa.
Đấy, các bác thấy nó có ổn không? Em thì thấy nó quá lãng phí. Kinh nghiệm xương máu xe em đấy ạ.
Cảm ơn các bác đã đọc!“
Đoạn chia sẻ của tài khoản N.N về dán cách âm chống ồn cánh cửa
Qua chia sẻ trên, có thể thấy là chủ xe đã dán chống ồn 4 cánh cửa cho chiếc ô tô của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng thì chủ xe phát hiện đây là phương pháp chống ồn “lợi bất cập hại”. Chưa thấy hiệu quả chống ồn đâu, chủ xe chỉ phát hiện cửa ô tô của mình bị hỏng. Đó là chưa kể đến thời gian và chi phí sửa chữa cửa sau khi tháo miếng dán chống ồn ra.
Cánh cửa sau khi gỡ bỏ miếng dán chống ồn ra
Bụi và nước sẽ đọng lại ở các khe miếng chống ồn, gây hiện tượng gỉ phía trong mặt cánh cửa
Dự kiến, chi phí khắc phục cánh cửa sau khi gỡ bỏ miếng dán chống ồn là không nhỏ
Sau khi xuất hiện trên mạng, đoạn chia sẻ này đã nhanh chóng thu hút hàng trăm bình luận của những người dùng ô tô khác. Một số người cho rằng xe thế nào thì cứ giữ nguyên thế ấy, không nên chỉnh sửa hay độ lại.
“Tóm lại không phải vì tiếc tiền hay không chịu chơi mà riêng xe mình là không dán, không độ, không chỉnh gì. Cứ bảo hành, bảo dưỡng đúng nơi đúng người và đúng thời gian là ổn“, tài khoản N.P.D nêu ý kiến. “Nhà sản xuất bán thế nào thì cứ thế mà dùng, cứ nghe mấy ông bán đề-can với dán chống ồn thì chẳng chết. Xe hơi ồn xíu có sao đâu. Còn chảnh thật thì mua cái xe sang sang chút là chấm dứt tiếng ồn thôi. Chứ ông sản xuất tiếc gì mấy cái đồ ấy sao không cho vào là có lý do của nó cả“, tài khoản N.Q.K có cùng quan điểm. “Nhà sản xuất người ta tính hết cả rồi. Nếu chi phí rẻ như vậy mà chống ồn được, không ảnh hưởng đến thứ khác thì nhà sản xuất họ đã làm rồi. Kể cả phun, sơn chống ồn gầm cũng vậy“, tài khoản T.M lên tiếng. “Kinh nghiệm là cái gì zin của xe thì cứ để vậy, chỉ việc thay nhớt, thay lọc và định kỳ là đi thôi“, tài khoản N.T bàn góp.
Bên cạnh đó, cũng có những người khẳng định các phương pháp cách âm chống ồn hầu như không có hiệu quả, chỉ phí tiền. “Mình từng nhiều năm thi công và thấy vô bổ“, tài khoản M.N.N viết. “Một điều thôi, nếu ngon bổ rẻ vậy thì nhà sản xuất làm rồi, cho nên ba cái lắp thêm này chỉ là vớ vẩn, tốn tiền“, tài khoản N.V bình luận. “Phủ gầm, lót cao su non sàn chống ồn, dán cửa là 3 cái thợ vẽ ra để lừa gà“, tài khoản A.T lên tiếng. “Không nên dán chống ồn cánh cửa. Tất cả là bịp thôi“, tài khoản N.H.B nhận xét.
Hiện chưa rõ chủ xe kể trên dùng loại dán chống ồn cánh cửa nào. Có một điều bất kỳ chủ xe nào cũng nên lưu ý khi muốn thay đổi/độ một chi tiết nào đó trên xe, đó là chất lượng của phụ kiện, vật liệu và tay nghề của thợ thi công. Với những mẫu xe nguyên bản phân khúc thấp giá thành rẻ, độ ồn của sản phẩm sẽ lớn hơn các mẫu ô tô thuộc phân khúc cao hơn. Nhu cầu chống ồn cho xe là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, thực hiện ra sao, thực hiện ở đâu và giá thành thế nào sẽ quyết định mức độ “thành, bại” của việc chống ồn cho xe.
Chỉ thấy rằng, đây là lời cảnh tỉnh để những chủ xe khác cân nhắc trước khi quyết định dán chống ồn cánh cửa cho ô tô của mình, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” khi chưa nghiên cứu kỹ về công nghệ và tay nghề thợ, trước khi áp dụng cho chiếc xe của mình.
Ảnh: Nguyễn Nguyên
Lan Quyên