Dự kiến, Mazda giới thiệu 2 mẫu xe gầm cao 5 chỗ là CX-3 và CX-30 tại Việt Nam vào ngày mai (20/4). Đây có thể xem là nước cờ táo bạo của hãng xe Nhật Bản khi trước đây có thông tin dự đoán rằng chỉ có Mazda CX-30 được đưa về nước.
Vậy với bộ đôi SUV mới, Mazda liệu có thể làm nên chuyện khi thị trường đang đang có sự cạnh tranh quyết liệt, nhất là ở phân khúc SUV đô thị.
Nhiều cơ hội, đối thủ đông đảo
Nhu cầu mua xe gầm cao 5 chỗ tầm 600-800 triệu đồng tại Việt Nam đang tăng mạnh trong khoảng nửa năm vừa qua. So với cùng kỳ năm trước, nhóm SUV đô thị tại Việt Nam tăng trưởng gần 3,5 lần, đạt doanh số khoảng 8.600 xe trong quý I/2021.
Trong đó, Kia Seltos và Toyota Corolla Cross đóng vai trò quan trọng khi chiếm gần 79,2% tổng lượng xe tiêu thụ 3 tháng đầu năm, bỏ xa Hyundai Kona, Honda HR-V và Ford EcoSport.
Thành công của Kia Seltos có thể xem là tiền đề để Thaco cũng như Mazda Việt Nam tự tin khi ra mắt cùng lúc cả CX-3 và CX-30. Tại Thái Lan, bộ đôi này đang được bán song song và ít nhiều giúp hãng xe Nhật Bản thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn so với các đối thủ nhờ sự đa dạng về tùy chọn kích thước, cấu hình động cơ.
Với Mazda CX-3, xe có kích thước chiều dài tổng thể 4.275 mm và chiều dài cơ sở bằng với Mazda2, đạt 2.570 mm. Với bộ thông số này, CX-3 dài hơn Ford EcoSport và Hyundai Kona, tuy nhiên khoảng cách 2 trục lại kém hơn đôi chút so với đối thủ Hàn Quốc.
Trong khi đó, Mazda CX-30 được xem là biến thể nâng gầm của Mazda3 với thiết kế nội/ngoại thất tương đồng. Tuy nhiên, CX-30 có kích thước nhỏ gọn hơn đôi chút mẫu xe hạng C với chiều dài 4.395 mm và chiều dài cơ sở 2.655 mm. Như vậy, CX-30 ngắn hơn Toyota Corolla Cross nhưng lại có chiều dài cơ sở tốt hơn. Còn so sánh với Kia Seltos và Peugeot 2008, mẫu xe của Mazda nhỉnh hơn về kích thước.
Ngoài những mẫu SUV kể trên, Mazda CX-3 và CX-30 còn so kè với vài cái tên khác ở nhóm xe gầm cao 5 chỗ như MG ZS, MG HS, Hyundai Tucson… Đồng thời, 2 mẫu xe mới của Mazda sẽ cạnh tranh gián tiếp với những mẫu sedan, hatchback hạng B và C ở tầm giá 600-800 triệu đồng khi người dùng Việt Nam đang dần ưa chuộng xe gầm cao nhiều hơn.
Cạnh tranh bằng trang bị
Theo thông tin từ Mazda Việt Nam, CX-3 sẽ dùng động cơ SkyActiv-G 1.5L giống Mazda2. Công suất đạt 110 mã lực và mô-men xoắn ở mức 144 Nm. Thông số cụ thể của CX-30 chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng xe sẽ được trang bị động cơ xăng 2.0L (163 mã lực, 213 Nm) giống với các phiên bản đang bán tại Thái Lan. Các thông số này đều ở mức tốt so với các dòng SUV cùng hạng.
Cùng với sự đa dạng về phiên bản và cấu hình truyền động, 2 mẫu SUV được Mazda chú trọng giới thiệu có thế mạnh về mặt tính năng và công nghệ. Cả CX-3 và CX-30 được hãng xe Nhật Bản xác nhận sẽ có các tính năng an toàn thông minh. Danh sách có thể kể đến phanh chủ động, đèn pha thích, kiểm soát hành trình thích ứng, hỗ trợ giữ làn đường…
Hiện tại, không nhiều mẫu SUV cùng hạng với CX-3 và CX-30 có các trang bị này, chẳng hạn như Toyota Corolla Cross bản V và HV, Peugeot 2008 bản GT Line hay mẫu xe Trung Quốc BAIC Beijing X7 bản cao cấp.
Mazda có thể nhập khẩu CX-3 và CX-30 từ Thái Lan. Ảnh: Paultan.
Nếu được nhập khẩu từ Thái Lan như thông tin dự đoán, giá bán của Mazda CX-3 cùng CX-30 gần như chắc chắn sẽ cao hơn các đối thủ được lắp ráp trong nước như EcoSport (603-686 triệu đồng), Kona (636-750 triệu đồng), Seltos (609-729 triệu đồng) hay 2008 (739-829 triệu đồng). Hai mẫu SUV Nhật Bản nhập Thái đang bán tại Việt Nam là Toyota Corolla Cross (720-910 triệu đồng) và Honda HR-V (786-871 triệu đồng).
Giá bán cao có thể khiến CX-3 và CX-30 lập lại “vết xe đổ” của Mazda3. Mẫu xe hạng C của Mazda khi ra mắt phiên bản mới có nhiều trang bị nổi bật và được định giá cao nhất phân khúc. Điều này khiến Mazda3 ngay lập tức gặp khó khăn và suy giảm doanh số. Đến nay, các phiên bản Mazda3 đã được điều chỉnh giá bán thấp hơn 60-90 triệu đồng để tăng sức cạnh tranh.
Anh Nguyễn Thắng đang sử dụng Mazda3 hatchback cho rằng CX-30 sẽ phù hợp với những người đang sử dụng ôtô cỡ nhỏ muốn lên đời dòng xe cao hơn, hoặc nhóm khách hàng mua xe lần đầu ở tầm tiền khoảng 800 triệu đồng. Cá nhân anh Thắng không có ý định chuyển từ Mazda3 sang CX-30 vì thiết kế và công năng sử dụng không quá khác biệt, dù rằng cảm giác nội thất của chiếc xe gầm cao có phần cao cấp và hiện đại hơn.
Về phần CX-3, đây có thể xem là lựa chọn mở rộng từ Mazda2 với khả năng di chuyển linh hoạt hơn. Tuy nhiên, Mazda CX-3 không được đánh giá cao về mặt ngoại hình cũng như không gian sử dụng. Anh Trần Minh Quân (TP.HCM) nhận xét: “Thiết kế của CX-3 đã lỗi thời so với các dòng xe khác của Mazda. Cabin của xe tương đương với Mazda2, không quá rộng rãi”.
Hoàng Tuấn