Bắt đầu từ năm 2021, việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe sẽ có thay đổi, trong khi những chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với ô tô lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu từ châu Âu sẽ bắt đầu được điều chỉnh.
Trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng ô tô tại Việt Nam vừa trải qua một năm đầy biến động. Bước sang năm 2021, những thay đổi về chính sách ưu đãi thuế, phí đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước cũng như xe nhập khẩu, đặc biệt là các mẫu mã xuất xứ từ châu âu… hứa hẹn sẽ tạo ra những biến động trên thị trường ô tô Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cũng như một số quy định mới về sử dụng ô tô sẽ chính thức được triển khai trong năm 2021.
Chính sách, quy định mới 2021
- 1. Học và thi sát hạch lái xe bằng phần mềm mô phỏng
- 2. Ô tô nhập khẩu từ châu Âu bắt đầu được giảm thuế
- 3. Chấm dứt ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước
- 4. Bỏ quy định ô tô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa
- 5. Áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô
- 6. Ô tô có thể được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Dưới đây là 6 chính sách, quy định mới người tiêu dùng ô tô cần biết:
1. Học và thi sát hạch lái xe bằng phần mềm mô phỏng
Bắt đầu từ ngày 1.1.2021 tất cả các trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo và sát hạch lái xe ô tô. Đây là một trong những quy định mới tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 1 tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT giải thích về thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe gồm: Hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô. Sau khi các trung tâm sát hạch lái xe áp dụng, người học lái xe sẽ phải học thêm kỹ thuật lái xe bao gồm học trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và học thực hành lái xe trên cabin học lái xe ô tô.
Thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, học thực hành trên cabin học lái xe ô tô đối với chương trình lái xe hạng B1, B2, C và nâng hạng lái xe cũng được nêu rõ tại khoản 9 và khoản 10, Điều 1, Thông tư 38/2019/TT-BGTVT.
2. Ô tô nhập khẩu từ châu Âu bắt đầu được giảm thuế
Theo Nghị định 111/2020 của Chính phủ, về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2020 – 2022 của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bắt đầu từ ngày 1.1.2021 các dòng xe xuất xứ từ EU sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu mới từ 60,5 – 63,8% tuỳ theo dung tích xi-lanh, giảm từ 6,7 – 7,4% so với trước đây. Mức thuế trên sẽ tiếp tục giảm thêm ở những năm tới.
Trước đó, ngày 8/6/2020 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được Quốc hội phê duyệt. Theo cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu trong đó có ô tô sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình.
Với quy định này, nhiều dòng ô tô nhập khẩu từ EU trong năm 2021 sẽ có cơ hội giảm giá để thu hút khách hàng, đồng thời cạnh tranh với các mẫu xe nhập khẩu từ Mỹ cũng như các thị trường khác.
3. Chấm dứt ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước
Sau gần 6 tháng triển khai, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước theo quy định tại Nghị định 70/2020 NĐ-CP đã mang lại những hiệu ứng tích cực trên thị trường ô tô. Quy định này đã được áp dụng từ ngày 28.6.2020 đến hết ngày 31.12.2020 đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường ô tô trong giai đoạn cuối năm 2020 sau khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2021, chính sách này sẽ chính thức hết hiệu lực. Lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ lại áp dụng như quy định trước đây tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
4. Bỏ quy định ô tô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa
Sau 4 năm triển khai, quy định về việc ô tô dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa sẽ chính thước bãi bỏ từ ngày 10.1.2021. Trước đó vào ngày 24.11.2020 Chính phủ ban hành Nghị định 136/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Trong đó, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới, trong đó có ô tô.
5. Áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô
Theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu tại Quyết định số 16/2019/ QĐ-TTg (ban hành ngày 28.3.2019). Bắt đầu từ ngày 1.1.2021, các mẫu xe được sản xuất trong thời gian từ năm 1999 đến hết năm 2008 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở Mức 2 thì mới được phép lưu hành. Tiêu chuẩn này áp dụng đối với xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng) và ô tô lắp động cơ do cháy nén (động cơ diesel).
Về giới hạn mức phát thải theo tiêu chuẩn Mức 2, giới hạn lớn nhất cho phép đối với xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức là 3,5% (thể tích) chất CO, 800 HC (ppm thể tích); giới hạn lớn nhất đối với xe lắp động cơ do cháy nén là 60% HSU giới hạn độ khói.
Hiện phần mềm chương trình kiểm định khí thải mức 2 đối với xe ô tô sản xuất giai đoạn 1999-2008 đã được cài đặt tại tất cả các trung tâm đăng kiểm. Khi đăng kiểm viên nhập dữ liệu biển số xe, số đăng kiểm vào chương trình, phần mềm sẽ tự động đối chiếu chỉ số thực tế phát thải và tiêu chuẩn để đánh giá kết quả đạt hay không đạt tiêu chuẩn.
6. Ô tô có thể được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Theo đó, nhiều nội dung liên quan đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đang được lãnh đạo Chính phủ và Bộ ngành đề xuất triển khai với ngành ôtô.
Trong đó có đề xuất về điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô hay hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Nếu chính sách này được thông qua, chi phí cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ trở nên rẻ hơn, giá thành đến tay người tiêu dùng cũng sẽ giảm, kích thích tiêu dùng. Chính sách này không chỉ có lợi với doanh nghiệp mà người dân cũng gián tiếp được hưởng lợi về giá.