Nguồn thu ngân sách Nhà nước đã bị giảm nặng do chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020, bên cạnh đó, các dòng xe nhập khẩu cũng cảm thấy bị bất công.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cân nhắc về việc không kéo dài chính sách miễn giảm phí, lệ phí cho ô tô sản xuất nội địa sang năm 2021.
Trước đó, để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô giữa đại dịch Covid-19, Chính phủ đã giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP). Nghị định này sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh rằng đây là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước giữa bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo ước tính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa làm giảm thu ngân sách Nhà nước tới khoảng 3.700 tỷ đồng.
Chưa kể, Đại sứ quán một số nước như Thái Lan, Indonesia và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) đã kiến nghị tới Bộ Tài chính về việc phân biệt đối xử giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ không tiếp tục xem xét kéo dài thời hạn áp dụng Nghị định 70/2020/NĐ-CP sang năm 2021.
Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam có thể chỉ còn hơn 1 tháng để kịp hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Phải nói từ khi được áp dụng chính sách ưu đãi phí trước bạ, nhiều mẫu xe sản xuất nội địa luôn trong tình trạng khan hàng, trong đó có VinFast Fadil, mong rằng doanh số của các mẫu xe sản xuất nội địa vẫn sẽ giữ vững phong độ ngay cả khi Chính phủ dừng ưu đãi 50% phí trước bạ.
Nhược Hi (Tuoitrethudo)
Nguồn: XeHay