Hệ thống điện là phần chịu ảnh hưởng đáng kể nhất khi ôtô bị ngập, bên cạnh nguy cơ động cơ thủy kích và nội thất bị lọt nước.
Mưa lớn dẫn đến nước ngập cao, “bao vây” ôtô là một trong những nỗi lo lớn nhất của người dùng khi sử dụng ôtô tại Việt Nam. Ngoài các lưu ý khi di chuyển trên đường ngập để tránh bị thủy kích, nếu xe bị ngập quá sâu trong thời gian dài cũng là trường hợp người dùng cần lưu ý cách xử lý để hạn chế hư hỏng cho phương tiện.

Ôtô bị ngập dưới hầm sau trận mưa to tại Hà Nội ngày 11/5. Ảnh: Chu Đức Việt.
Không được khởi động xe
Đối với xe đỗ trong bãi, hầm và bị ngập cao đến nắp ca-pô thì tuyệt đối không được khởi động lại sau khi nước rút. Việc cần làm là gọi xe cứu hộ đưa ôtô đến garage để kiểm tra, cũng như xử lý các ảnh hưởng từ nước.
Trao đổi với PV , kỹ thuật viên của một garage sửa chữa ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết khi mà nước dâng cao đến đầu xe thì gần như cả khoang động cơ đã ngâm ở trong trước. Không nổ máy nhưng do có áp lực nên nước vẫn có thể ngấm vào đến tận buồng đốt, dầu động cơ và các chi tiết của hệ thống điện.
Nếu cố gắng khởi động, động cơ có thể bị thủy kích hoặc gây chập điện, hư hỏng nặng thêm cho xe.
Tại khu vực nội thành Hà Nội, thông thường mỗi lượt gọi xe cứu hộ có chi phí trung bình khoảng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Khi nhu cầu tăng cao và lượng xe cứu hộ không đủ đáp ứng thì mức giá có thể cao hơn.

Ôtô bị ngập cần được đưa đến garage bằng xe cứu hộ. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
Các hạng mục cần xử lý
Theo chia sẻ từ nhân viên kỹ thuật, đối với xe bị ngập nước trong thời gian dài có nhiều chi tiết phải kiểm tra và vệ sinh. Tùy theo đơn vị và garage, mỗi công đoạn kiểm tra có thể tốn từ một đến 2-3 triệu đồng.
Liên quan đến hệ thống nạp khí của động cơ, đội kỹ thuật sẽ cần tháo và vệ sinh hết đường ống hút khí nạp, thay lọc gió, vệ sinh turbo/super charge (nếu có), kiểm tra bướm ga, bugi, các cảm biến không khí…
Ngoài ra, để tránh bị thủy kích thì cần dùng camera nội soi để soi vào buồng đốt xem có nước hay không. Khi nước tràn vào xe sẽ tạo nên một lực ép lớn, đối đầu với áp lực từ các piston đang từ dưới đẩy mạnh lên hỗn hợp khí nạp. Trong trường hợp này, nếu như tài xế vẫn cố khởi động xe ô tô vô tình khiến cho lượng nước tràn vào càng nhiều với lực càng mạnh làm cho các tay biên piston bị biến dạng, thậm chí là bị gãy, hỏng hóc.

Thủy kích tấn công khiến cho động cơ xe có nguy cơ bị hỏng hóc nặng.
Ngoài động cơ, thủy kích còn tác động xấu đến hệ thống điện xe ô tô. Khi xe ngập nước, hệ thống điện trên xe ô tô như đèn, còi, hệ thống âm thanh giải trí… sẽ bị ảnh hưởng như có thể bị gỉ sét hay cháy. Đồng thời nếu xe ngập nước quá lâu trong điều kiện nước có nồng độ muối cao thì nguy cơ gầm xe và vỏ xe bị ăn mòn rất cao. Trong trường hợp xe ngập ở mực nước sâu, những chi tiết trong khoang nội thất ô tô như thảm lót sàn hay ghế ngồi cũng sẽ bị ngấm nước, ẩm mốc và hư hỏng.
Nếu không có nước hoặc rất ít nước thì có thể xử lý đơn giản, còn lương nước lọt vào buồng đốt nhiều thì phải hạ động cơ để vệ sinh chi tiết. Ngoài ra, ống xả bị ngập cũng phải tháo ra để xả nước, làm vệ sinh và kiểm tra nước có lọt vào đường xả của động cơ hay không.
Các bộ phận truyền động như cầu, hộp số thường có van thông hơi ở nên dễ bị nước xâm nhập vào. Vì vậy, dầu cầu dẫn động và dầu hộp số cũng nên được xả và thay mới. Cùng với đó là thay dầu và lọc dầu động cơ nếu có nước lọt vào cacte. Khoản này sẽ tùy thuộc vào dòng xe, loại nhớt và và giá phụ tùng, có thể ngốn mất 2-3 triệu đồng hoặc hơn.

Khoang máy cần được kiểm tra toàn diện nếu xe bị ngập nước. Ảnh minh họa: Hoàng Tuấn.
Đối với Hệ thống dây điện và các đầu cắm chạy quanh thân xe, ở khu vực bệ trung tâm rất dễ bị chập và cháy khi còn đọng nước bên trong. Các giắc nối cần được kiểm tra lại và xịt khô để đảm bảo độ tiếp xúc. Cánh cửa xe bị ngập sâu sẽ đọng rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hoạt động của các loa và dây dẫn, vì vậy quá trình vệ sinh phục hồi nội thất xe cũng không thể bỏ qua khu vực này.
Theo nhận định của kỹ thuật viên, phần kiểm tra động cơ và các bộ phận cơ khí không quá khó, phức tạp nhất là phần điện.
Vì khi các hộp ngâm trong nước có thể không hỏng ngay và vẫn hoạt động được. Tuy nhiên, việc bị nước xâm nhập dẫn đến tình trạng oxy hóa dần dần và một thời gian sau các phần điện mới bắt đầu hỏng. Tương tự, các giắc điện nếu không vệ sinh sạch theo thời gian oxy hóa sẽ dẫn đến tiếp xúc kém, làm chập chờn hệ thống điện.

Sau cùng, nước ngập sâu lọt vào khoang lái nên nội thất cũng phải được dọn vệ sinh, xử lý nước thấm sàn và các bộ phận khác. Công đoạn này trên thị trường có chi phí từ khoảng 2 triệu đồng đối với xe 4 chỗ và cao hơn với những dòng ôtô khác.
Chi phí sẽ rơi vào tầm vài chục triệu đồng nếu như chỉ thay tay biên piston và con số sẽ đội lên rất nhiều nếu như hệ thống điện và động cơ xe bị hỏng. Đặc biệt là đối với những mẫu xe sang, chi phí thay phụ tùng rất lớn.
Chưa kể đến, những chiếc ô tô bị thủy kích nhiều lần không được chăm sóc và bảo dưỡng xe tốt thông thường giá trị thanh khoản không cao. Khi muốn bán lại, những chiếc xe ô tô cũ này có giá chuyển nhượng thấp.
Nguồn : zingnew
Hoang Long