Che, sửa biển số ôtô là hành vi của các tài xế nhằm tránh bị phạt nguội qua camera giao thông, có thể gây nên những hệ lụy nguy hiểm.
Lê Thượng Tiến là reviewer ôtô xe máy tại Việt Nam. Anh sở hữu nhiều mẫu xe, trong đó có Ford, Mitsubishi, Mercedes-Benz, Porsche hay VinFast. Bài sau thể hiện quan điểm của tác giả, được viết cho Zing.Năm 1893, người Pháp phát minh ra biển số xe nhằm kiểm soát, quản lý xe cơ giới. Tại Việt Nam, biển số xe được cấp khi mua xe hoặc chuyển nhượng xe.
Ngoài vai trò “khai sinh” cho chiếc xe, biển số xe còn giúp cơ quan chức năng xác định các hành vi vi phạm giao thông, hay nghiêm trọng hơn là các vụ án hình sự. Thật khó có thể tưởng tượng xã hội sẽ hỗn loạn như thế nào nếu tất cả phương tiện trên đường đều không có biển số.
Dạo gần đây, có nhiều tài xế cố tình dán, che biển số hoặc thay đổi các ký tự trên biển số. Hành động này bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều camera giao thông xuất hiện trên đường phố, đường cao tốc để ghi nhận các lỗi vi phạm và xử lý phạt nguội.Những người có hành vi dán, che biển số đều nhằm mục đích tránh bị phạt nguội qua hệ thống camera. Các hình thức thường gặp là che khẩu trang, kẹp giấy, dán băng keo hoặc sửa nét các số…Phải chăng, những tài xế đó luôn tìm cách đối phó với các quy định, chính sách của Nhà nước? Mỗi khi có chế tài mới, họ lại bộc lộ tính ích kỷ, vô kỷ luật ra một cách rõ ràng hơn?Có thể những người này che biển chỉ để tránh bị phạt nguội khi họ muốn chạy quá tốc độ, sai làn đường hay dừng đỗ không đúng nơi quy định. Tuy nhiên không loại trừ khả năng nhiều người sẽ “học tập” cách làm “khôn lỏi” này vì những mục đích xấu hơn, như buôn bán vận chuyển hàng cấm, phạm tội hình sự…Khi đã che dấu đi biển số thật, người cầm lái thường sẽ có hành vi điều khiển xe nguy hiểm hơn, nhanh hơn, chấp nhận phạm luật hơn, và trực tiếp ảnh hưởng tới an toàn giao thông.Một chiếc xe che biển số (chỉnh sửa số) nếu như gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy khỏi hiện trường, thì việc xác định xe gây tai nạn trở nên khó hơn rất nhiều với lực lượng chức năng. Hành vi “khôn lỏi” xem chừng đơn giản này lại tiềm tàng một mối họa lớn hơn cho giao thông.
Và như thế, chúng ta không còn an toàn khi tham gia giao thông. Khi người tài xế không còn sợ bị phát giác, họ có thể bất chấp luật lệ để thực hiện các hành vi nguy hiểm hơn cho người xung quanh.
Hiện tại, hành vi che, sửa biển số đã có mức chế tài. Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi điều khiển ôtô và các loại tương tự ôtô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí, gắn biển số không rõ chữ, số, gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng, sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
Số tiền phạt trên theo tôi là quá nhỏ so với những hệ lụy của hành động che giấu biển số khi tham gia giao thông của những chủ xe. Muốn việc tham gia giao thông ngày một văn minh hơn, chúng ta cần xây dựng một văn hóa giao thông tốt hơn.
Việc phạt thật nặng những hành vi “khôn lỏi” như che đi biển số thật để tránh phạt nguội là cần thiết để trong tương lai chúng ta có thể an toàn và thoải mái hơn mỗi khi lái xe ra đường.
Một khi giải quyết được những tiêu cực và việc phạt nguội được thực thi tốt, chúng ta sẽ có thể giảm đi lượng cảnh sát giao thông chốt chặn ngoài đường, cũng là giảm đi những tiêu cực của việc xử phạt “nóng”.
Nguồn: Zing.vn