Luật sư cho rằng cần xem xét áp dụng chế tài thật nghiêm minh để xử lý tài xế là quân nhân vi phạm quy định về dừng đỗ xe nhưng có hành vi chống đối cảnh sát.
Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã bàn giao vụ tài xế L.M.H. (48 tuổi, cán bộ của Học viện Hậu cần) đỗ xe trái phép và chống đối CSGT cho lực lượng kiểm soát quân sự để xử lý theo thẩm quyền.Nhiều ý kiến thắc mắc sau khi được cơ quan thuộc quân đội tiếp nhận hồ sơ, vi phạm của tài xế sẽ được xử lý ra sao?
Có thể xử lý hình sự?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, đánh giá việc tài xế L.M.H. dừng đỗ ôtô trái phép ở ngã tư Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển có dấu hiệu gây cản trở giao thông và vi phạm Nghị định 100/2019.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng trước hết cần xác minh lời khai để xác định ông H. đã tham gia giao thông, điều khiển ôtô sau khi sử dụng rượu, bia.
Đối với dấu hiệu của việc chống đối cảnh sát, luật sư cho rằng đơn vị thụ lý hồ sơ cần làm rõ hành vi cụ thể của tài xế để làm căn cứ kết luận.Trường hợp tài xế dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác nhằm mục đích chống người thi hành công vụ, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự.Luật sư phân tích “hành vi khác” có thể được biểu hiện thông qua việc giằng co, xô xát bằng tay, chân hay có lời lẽ đe dọa đối với cảnh sát. Tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xem xét để xử lý.”Với những tài xế như ông H., cơ quan quản lý thuộc quân đội nên xử lý nghiêm để răn đe, làm gương cho người khác”, ông Giáp nêu quan điểm.Có cùng quan điểm trên, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội, cho rằng trong các vụ chống đối CSGT, nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của người vi phạm và chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.Theo luật sư, Điều 20 Nghị định 167/2013 quy định người vi phạm Luật giao thông nhưng có hành vi cố tình gây cản trở người thực thi công vụ, thì bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.Còn nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ cáo buộc tài xế chống người thi hành công vụ, người vi phạm có thể đối diện án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Luật sư Tiền đánh giá trên thực tế, tài xế vi phạm luật rồi chống người thi hành công vụ ngày càng liều lĩnh. Ý thức chấp hành luật lệ về giao thông chưa tốt gây ra nhiều hệ lụy.
“Ít có luật nào mà tác động nhiều đến xã hội như luật giao thông, do đó cần một chế tài đủ mạnh mới có thể chấm dứt tình trạng chống đối CSGT”, luật sư phân tích.
Theo Cục CSGT, tình trạng chống người thi hành công vụ đang trở nên phổ biến. Nhiều tình huống người vi phạm tỏ ra manh động, tấn công lại lực lượng chức năng đến cùng. Trong khi đó, chế tài xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ.
“Quy định về trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trấn áp các hành vi chống người thi hành công vụ cũng chưa đầy đủ, khó áp dụng trên thực tế”, đại diện Cục CSGT nhìn nhận khi phân tích nguyên nhân gia tăng các vụ chống đối cảnh sát.
Vị này dẫn chứng Nghị định 73/2010 có quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi cản trở người thi hành công vụ hoặc lăng mạ, xúc phạm danh dự, chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn Điều 330 Bộ luật hình sự đề ra mức phạt cao nhất của tội Chống người thi hành công vụ là 7 năm tù.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng ban hành án lệ về trường hợp chuyển tội danh từ chống người thi hành công vụ sang tội giết người. “Tuy nhiên, so với tính chất và mức độ nguy hiểm của những vụ chống đối thì các chế tài trên chưa đủ sức răn đe”, đại diện Cục CSGT đánh giá.
Cục CSGT cho rằng cần bổ sung theo hướng tăng chế tài xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ; tham mưu, đề nghị Chính phủ tiếp tục trang bị phương tiện, vũ khí và công cụ hỗ trợ hiện đại cho cảnh sát, nhất là đối với lực lượng trực tiếp trấn áp tội phạm, trong đó có CSGT.
Nguồn: Zing.vn