Một nghiên cứu của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho thấy: Trung bình một tài xế lái ô tô sẽ phải sử dụng tới 1 triệu lượt phanh mỗi năm. Và sự cố đạp nhầm chân phanh sang chân ga xảy ra lên tới 16.000 vụ mỗi năm, tức là trung bình mỗi ngày có 44 vụ (ở Mỹ)
Các vụ va chạm do lỗi nhầm chân ga có thể gây ra những rủi ro an toàn nghiêm trọng cho người ngồi trên xe, cũng như các phương tiện xung quanh, người đi bộ và tài sản người dân.
Hiện trường vụ nữ tài xế Toyota Camry nhầm chân ga hạ gục 8 xe máy tại TP. Hồ Chí Minh
Theo NHTSA, lỗi nhầm chân ga có thể xảy ra khi người lái có ý định đạp phanh nhưng bàn chân trượt khỏi mép phanh và tác động lên chân ga; Hoặc khi người lái chỉ dự định đạp phanh nhưng lại đạp cả phanh và chân ga. Điều này có thể gây ra hiện tượng xe tăng tốc đột ngột, thường là ở chế độ tăng ga, không có lực phanh làm xe giảm tốc độ.
Sự cố này xảy ra thường xuyên nhất ở những phương tiện đang di chuyển với tốc độ rất thấp, chẳng hạn như khi cố gắng đỗ xe trong bãi đậu xe, hoặc có thể xảy ra trong các tình huống thường phải phanh gấp, bao gồm đường giao cắt, đường dốc…
Nhiều tài xế nhận ra việc nhầm lẫn sau sự cố nhưng không thể sửa lỗi kịp thời để tránh xảy ra va chạm. Bởi khi việc đạp nhầm chân ga bắt đầu, diễn biến tăng tốc xảy ngay lập tức, người lái xe chỉ có vài giây để khắc phục sự cố trong khi họ thường bị giật mình và căng thẳng trước sự tăng tốc bất ngờ của xe.
Nghiên cứu từ NHTSA cũng cho thấy những người lái xe dưới 20 tuổi hoặc trên 65 tuổi thường gặp phải lỗi nhầm chân ga nhất (hơn khoảng 4 lần so với các nhóm tuổi khác).
Vì vậy, để phòng tránh sự cố nhầm chân ga, NHTSA đã đưa ra 5 lời khuyên dành cho các tài xế.
1. Chuẩn bị trước khi lên xe
Điều chỉnh ghế, gương, vô lăng và bàn đạp (nếu chúng có thể điều chỉnh được) đúng cách sao cho thoải mái nhất trước khi khởi động xe. Nếu bạn đang lái một chiếc xe lạ, hãy nhớ làm quen với vị trí và cảm giác của bàn đạp ga và phanh.
Điều chỉnh tư thế lái, khoảng cách chân, tay sao cho thoải mái và đúng cách nhất
2. Nhắm vào giữa
Nên tạo thói quen nhắm vào giữa bàn đạp phanh mỗi khi sử dụng phanh. Điều này giúp tạo thói quen trí nhớ và giảm nguy cơ nhầm lẫn.
Vị trí để bàn chân đúng nhất khi lái
3. Tránh sao nhãng
Người lái cần tập trung vào nhiệm vụ lái xe cho đến khi xe dừng lại an toàn, chuyển vào chỗ đỗ và tắt máy. Không nên vừa lái xe vừa làm các hoạt động khác gây phân tâm như nghe điện thoại, ăn uống, lấy đồ…
4. Thận trọng
Khi phải lùi xe khỏi bãi đỗ hoặc di chuyển vào đường hẹp, cần lái chậm rãi và cẩn thận, nhất là ở nơi xa lạ.
5. Mang giày phù hợp
Giày dép ảnh hưởng đến khả năng vận hành xe là điều được nhắc nhiều đến khi bạn bắt đầu học lái xe. Các loại dép như xỏ ngón, ủng nặng hoặc giày cao gót có thể góp phần gây ra lỗi nhầm chân ga. Tốt nhất là nên mang giày đế bằng và nhẹ bất cứ khi nào bạn ngồi trên ghế lái.
Tài xế nữ không nên đi giầy cao gót hay dép khi lái xe