Một loạt những chính sách về thuế, phí liên quan đến xe hơi sẽ có sự thay đổi trong năm 2021, hứa hẹn sẽ có sự tác động lớn đến thị trường ô tô.
Chấm dứt ưu đãi 50% phí trước bạ
Theo Nghị định 70 của Chính phủ, thời hạn áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Tức là năm 2021, khách hàng mua ô tô dù sản xuất, lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu đều sẽ áp dụng mức thu phí trước bạ như nhau. Tại Hà Nội, mức thu là 12% giá niêm yết xe còn tại TP.HCM là 10% giá niêm yết xe.
Như vậy, khách hàng chỉ còn 21 ngày nữa để hưởng lợi từ ưu đãi giảm phí trước bạ của Nhà nước. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ô tô, năm 2021 nếu thị trường ô tô vẫn trầm lắng, rất có thể các hãng xe sẽ có chính sách ưu đãi phí trước bạ riêng cho khách hàng, giống như một hình thức ưu đãi về giá xe, thay vì giảm giá trực tiếp như trước đây.
Xe EU được giảm thuế nhập khẩu vào Việt Nam
Theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, từ năm 2021, Việt Nam chính thức cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình 9 đến 10 năm sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Tại Nghị định số 111/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2020 – 2022 của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), đối với mặt hàng ô tô, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu (đang ở mức 70% xuống 0%) trong 9-10 năm.
Theo đó, sau khi có hiệu lực, EVFTA sẽ loại bỏ 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, phần còn lại sẽ được loại bỏ dần trong khoảng thời gian 10 năm.
Hiện nay, mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU vào Việt Nam đang áp dụng 70% đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cc và 75-78% đối với xe có dung tích xilanh dưới 3.000cc, có nghĩa là xe dung tích xilanh càng lớn, mức thuế càng cao và được tính theo giá trị khai báo hải quan áp dụng theo thuế suất tối huệ quốc (MFN) trong các thành viên WTO. Đây cũng là mức thuế cao nhất đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam từ trước đến nay.
Việc giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình được xem là cơ hội để người tiêu dùng trong nước mua được ô tô nhập khẩu từ thị trường châu Âu với giá và chi phí thấp hơn khá nhiều.
Đề xuất bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt
Tại Nghị quyết 115 của Chính phủ ban hành tháng 8/2020, Chính phủ giao Bộ Tài chính các phương án sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Trong Thông báo số 377/TB-VPCP tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp và sản phẩm ô tô Việt Nam
Trước đó, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ các phương án sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành ô tô tại Việt Nam trong dài hạn để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Hiện nay, thuế suất thuế TTĐB với dòng xe chở người dưới 9 chỗ là 35% (với xe có dung tích xilanh dưới 1.5L); mức 40% với xe từ 1.5L – 2.0L; mức 50% với xe từ trên 2.0L – 3.0L. Thậm chí, xe dung tích xilanh từ trên 3.0L – 6.0L bị áp thuế TTĐB từ 90 – 130% giá công bố của hãng, riêng xe dung tích xilanh từ 6.0L trở lên có thuế suất thuế TTĐB là 150%.
Theo xe.baogiaothong.vn
Nguồn: DailyXe