Trước đề xuất của Bộ Tài chính không gia hạn thêm, tức ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô nội hết hiệu lực từ 31/12 tới, các hãng hầu như đồng tình, không quá mặn mà với ưu đãi này. Dù trước đó, có nhiều lo ngại về việc không tiếp tục ưu đãi khiến khách hàng tranh thủ mua xe cùng một lúc, sau đó thị trường lại trở nên trầm lắng.
“Nghị định được đưa ra để hỗ trợ kích cầu trong giai đoạn dịch Covid-19, nay khi thị trường đã ổn hơn, các lĩnh vực khác cũng cần hỗ trợ thì không nhất thiết phải gia hạn ưu đãi này”, trưởng ban kế hoạch chiến lược một hãng xe Nhật nói. “Nghị định sắp hết hiệu lực cũng là lúc khách hàng dồn dập mua xe, sang đầu 2021 thị trường có thể chững lại”.
Trưởng phòng marketing một hãng xe Nhật cho rằng, gia hạn thêm thời gian ưu đãi lệ phí trước bạ là điều tốt vì giá lăn bánh giảm, tiết kiệm cho người mua số tiền không nhỏ, kích cầu thị trường. “Nhưng tiếp tục ưu đãi lại giảm thu ngân sách, đó cũng là vấn đề để Chính phủ cân nhắc”, vị này nói.
Theo lý giải của Bộ Tài chính về đề xuất không gia hạn thêm, ngân sách ước tính giảm thu 3.700 tỷ đồng khi Nghị định 70/2020 thi hành từ 28/6. Trong quá trình thực hiện, đại sứ quán một số nước như Indonesia, Thái Lan và Eurocham cho rằng quyết định này phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước. Đây cũng là vấn đề từng được các hãng xe thuần nhập khẩu tại Việt Nam nêu ra.
Đại diện một thương hiệu Đức tại Việt Nam nói rằng, nếu ưu đãi giảm phí trước bạ cho xe lắp được gia hạn thì cũng nên dành cho xe nhập. “Các hãng đã phải chạy theo thị trường, tung ra các ưu đãi, giảm giá để tăng sức cạnh tranh trong gần nửa năm. Nếu tiếp tục ưu đãi cho xe lắp thì xe nhập lại gặp khó”. Các hãng nhập khẩu rõ ràng không muốn xe lắp ráp được ưu ái thêm chút nào nữa.
Thực tế, ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước đang giúp doanh số xe nội tăng trưởng mạnh về cuối năm. 20.498 xe lắp ráp bán ra trong tháng 10 (số liệu của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam – VAMA) là mức cao nhất từ đầu 2020. Chênh lệch doanh số xe lắp ráp và nhập khẩu cũng càng ngày càng được nới rộng. Riêng trong tháng 10, chênh lệch hơn 18.000 xe nghiêng về xe lắp ráp trong nước.
Trước lợi thế của xe lắp ráp, nhiều hãng xe nhập khẩu như Subaru, Volkswagen, Audi, Volvo, Suzuki hỗ trợ một phần hay 50% phí trước bạ đối với các sản phẩm nhập khẩu để lôi kéo khách hàng. Thậm chí một số hãng bán xe lắp ráp như Honda, VinFast vốn đã được ưu đãi phí trước bạ, tặng thêm 50% phần còn lại như một cách để tăng sức mua cho sản phẩm của mình. Hoặc như Mitsubishi tặng 50% phí trước bạ cho bản nhập khẩu Xpander bên cạnh bản lắp ráp có sẵn ưu đãi.
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được giữ nguyên, khách hàng còn hơn một tháng để mua xe lắp ráp tại Việt Nam kèm ưu đãi phí trước bạ giảm 50%. Ưu đãi này không giúp giảm giá xe nhưng giảm chi phí lăn bánh. Một khách hàng tại TPHCM mua xe giá 400 triệu có thể tiết kiệm 20 triệu tiền lăn bánh, xe 4 tỷ, con số tiết kiệm lên đến 200 triệu đồng.
Kết thúc tháng 10, các thành viên VAMA bán 204.144 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. TC Motor phân phối xe Hyundai đạt lượng bán hàng 57.039 xe, giảm 10%. Trong top 10 xe bán chạy nhất tháng 10, xe lắp ráp chiếm 8 sản phẩm.
Thành Nhạn