Cuối tháng 12/2019, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn phòng dịch khi Trung Quốc ghi nhận 27 ca viêm phổi cấp lạ tại thành phố Vũ Hán. Những ngày đầu 2020, thông tin về virus lạ mà sau này được gọi là nCoV dần tăng lên, dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng những hình dung về covid-19 vào lúc ấy vẫn còn rất mơ hồ, rằng đó là một thứ bệnh viêm phổi do virus lạ, mà chưa ai nghĩ tới những hậu quả to lớn của nó tới các mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Ngành ôtô cũng không phải ngoại lệ. Kết thúc năm 2019 với lượng bán đạt tới gần 386.000 xe (VAMA và Hyundai của TC Motor), các hãng dự đoán, và kỳ vọng một năm 2020 có thể khởi sắc hơn nữa, với tăng trưởng 10-15%. Nhưng mọi thứ dần tệ đi nhanh hơn khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, rồi những lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, cách ly xã hội được ban hành liên tiếp sau đó khiến thị trường trở nên trầm lắng. Các showroom phải đóng cửa, khách hàng bị ảnh hưởng tài chính nặng nề bởi không buôn bán, hoạt động được gì, xe nhập khẩu không thể về nước vì khó khăn logistics, các triển lãm xe bị hủy… Tất cả là chỉ dấu quá rõ ràng cho một năm xám xịt.
Gần hết nửa năm, các ông lớn kêu cứu Chính phủ, và ngay lập tức chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng từ 28/6. “Chiếc phao” lớn ngay lập tức cứu các hãng sắp chết đuối. Chi phí mua xe bỗng dưng được giảm hàng chục tới hàng trăm triệu, chưa kể các ưu đãi riêng của hãng và đại lý là động lực để khách quay trở lại showroom.
Những ngày cuối năm, hãng còn “vắt chân lên cổ” chạy giao xe cho khách hàng kịp nộp phí trước bạ trong 2020 để hưởng ưu đãi. Có hãng giao xe nhưng chưa hoàn thiện (ví dụ chưa lắp màn hình), có hãng thậm chí còn chỉ cần ra được số khung, số máy để gửi khách điền vào hồ sơ nộp trước bạ, còn xe thì “chưa thấy mặt mũi”. Kết quả, các hãng ước lượng kết thúc năm doanh số toàn thị trường sẽ chỉ giảm khoảng 10-15% so với năm ngoái. Nếu không có chính sách này, mức giảm nặng nề hơn nhiều, 20-25%.
Một ngày cuối năm, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cười tươi chia sẻ rằng dự đoán thị trường 2021 sẽ quay lại con số của 2019. Dù rằng, từ tháng 3 đến lúc này, ông vẫn làm việc ở nhà vì phải giãn cách xã hội theo chính sách chung của Ford tại Mỹ.
“Chính phủ Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, là nơi hiếm hoi trên thế giới nên tôi tin sang năm mọi việc sẽ ổn định dù thế giới còn bất ổn”, ông nhận định. Hãng này sẽ giới thiệu một mẫu xe mới trong 2021, đồng thời chuyển Ranger từ nhập khẩu về lắp ráp tại Hải Dương, nguồn cung vì thế sẽ chủ động hơn.
Ông Võ Thành Tài, Tổng trưởng phòng truyền thông và bán hàng Mitsubishi Việt Nam cũng có chung nhận định khi tin rằng 2021 sẽ là năm thị trường ấm trở lại. Thậm chí, hãng xe Nhật còn đặt thách thức cao hơn khi muốn doanh số phải tăng trưởng dương so với 2019. Thị trường Việt Nam đang là trọng điểm trong chiến lược xoay trục về Đông Nam Á của Mitsubishi Nhật Bản. Nơi đây hãng có ngôi sao Xpander cùng các sản phẩm đang lên như Attrage, Pajero Sport, Outlander.
Nhiều vị đại diện các hãng xe khác cũng trùng quan điểm và cho biết đang chuẩn bị cho năm 2021 với nhiều kế hoạch sản phẩm và hoạt động. Toyota đã làm mới một loạt xe trong 2020 đang đầy quyết tâm để quay lại ngôi vương thị trường, khi hiện tại đang để Hyundai (do TC Motor phân phối) vượt qua. Trong khi bản thân Hyundai cũng được khách hàng chờ đợi có bản nâng cấp với Santa Fe, Tucson vào năm sau.
Dù lạc quan, nhưng hầu hết các chuyên gia cũng vẫn dè chừng và có những e ngại nhất định. Việc không còn ưu đãi 50% trước bạ từ 2021 có thể khiến khách hàng dừng lại đôi chút, tuy vậy đây cũng không phải vấn đề quá lo ngại. Đối với các hãng, việc giảm trước bạ từ Chính phủ trong thời gian ngắn có thể là phao cứu sinh, nhưng lâu dài hoặc thay đổi liên tục thì không ổn, bởi mọi chiến lược, kế hoạch đều phải thay đổi theo. Sự ổn định luôn là thứ các hãng hướng tới, dù chính sách, hay thị trường.
Bên cạnh đó, diễn biến dịch ở các nước ngày càng phức tạp khi phát hiện các chủng mới vẫn là mối nguy thường trực cho Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là trở ngại cho khả năng cung ứng linh kiện. Hiện linh kiện, phụ tùng ngành ôtô Việt Nam nhập chủ yếu từ bốn nước Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc – tất cả đều đang quay cuồng chống dịch. Tuy vậy, ông Tài cho biết nếu có kế hoạch chuẩn bị đặt hàng linh kiện từ sớm thì đây cũng không phải vấn đề không thể khắc phục.
Nhìn chung, trong con mắt của các hãng, 2021 vẫn là một năm ấp áp cho việc kinh doanh, không những phục hồi sức mua mà còn đến từ những yếu tố khác như chiến lược, sản phẩm. Ví như xe điện, sự nghiêng trục của xe lắp ráp hay cái tên VinFast.
VinFast là hãng có những động thái rõ ràng hơn cả trong chiến lược dài hơi cho xe điện. Theo nguồn tin của VnExpress, năm 2021 hãng xe Việt sẽ giới thiệu ba mẫu xe mới ở các phân khúc B, C, D. Trong đó, phân khúc B và C sẽ gồm cả xe xăng và xe điện. Xe điện sẽ bán tại Mỹ trước tiên bởi bán xe điện ở Việt Nam lúc này là một canh bạc khi thị trường đang quá thiếu thốn cơ sở vật chất và cả khung chính sách để có thể thiết lập một mức giá phù hợp với thu nhập của khách hàng.
Việc giới thiệu ba mẫu xe sẽ vẫn là thông tin khiến khách hàng chờ đợi. Các sản phẩm hiện tại của VinFast đều đang bán ổn, thậm chí Fadil còn vượt cả Hyundai i10, ông vua doanh số bấy lâu nay. Kết quả này đều nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, khi hãng xe của Vingroup còn quá non trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Trong năm vừa rồi, hãng liên tục có các chương trình ưu đãi, kích cầu mua xe tới gia hạn bảo hành, đổi cũ lấy mới, tặng quà cho khách đã mua xe từ lâu, khiến cả khách cũ và khách mới đều hài lòng. VinFast cũng dồn lực để mở văn phòng tại Australia, mua đường thử Lang Lang, ra mắt President, thử nghiệm ôtô điện và xe buýt điện đầu tiên. Một kế hoạch dài hơn đang được tiến hành từng bước khá bài bản.
Cùng với VinFast, TC Motor và Thaco là những ông lớn khác thuần Việt và tập trung vào lắp ráp. Theo một chuyên gia, nhiều khả năng đây sẽ là những cái tên được hỗ trợ nhiều về chính sách để có thể phát triển sản xuất, lắp ráp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ba cái tên này sẽ không đơn thuần là hãng xe của người Việt, mà trở thành hãng xe đại diện cho quốc gia, giống như cách Malaysia hậu thuẫn cho Proton hay Perodua.
Vẫn còn đó những chính sách từng được thảo luận nhiều như “miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước” của mỗi xe. Các hãng lắp ráp thì mong rằng chúng sớm trở thành thực tiễn, ngay 2021. Trong khi đó, xe nhập khẩu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết, không chỉ vì một chính sách ủng hộ lắp ráp mà ngay bản thân xe nhập khẩu cũng không thể tự quyết, khi phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài, nơi mà các Chính phủ và người dân mỗi ngày vẫn thấp thỏm chờ đợi vắc-xin, một thứ sát sườn hơn là những chiến lược, mục tiêu vĩ mô cho nền kinh tế.
Đức Huy