Vào ngày 27/11/2020, Chính phủ vừa ban hành nghị định 136/2020, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bô sung một số điều của Luật PCCC. Theo đó, Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngay 10/1/2021, thay thế cho Nghị định 79/2014.
Đáng chú ý trong Nghị định 136 có một điểm mới chính là bãi bỏ quy định xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi phải trang bị bình cứu hỏa. Theo quy định mới, xe 4 – 9 chỗ ngồi chỉ cần tuân thủ điều kiện hoạt động đã được kiểm định, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên xe bảo đảm an toàn PCCC.
Còn xe trên 9 chỗ ngồi vẫn phải trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
Trước đó, vào năm 2014, Nghị định 79 được bàn hành, quy định các xe từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa. Đến năm 2015, thông tư 57/2015 của Bộ Công an được ban hành, hướng dẫn về việc trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho xe dưới 9 chỗ sẽ bị bãi bỏ, áp dụng từ 10/1/2021
Theo đó, xe từ 4 đến 9 chỗ ngồi phải trang bị bình chữa cháy loại dưới 4 kg, hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4 kg. Nếu không tuân thủ việc trang bị bình chữa cháy theo quy định, tài xế sẽ bị phạt 300.000 – 500.000 đồng.
Sau khi Nghị định 79 và thông tư 57 được ban hành, đã có khá nhiều ý kiến xung quanh sự khả thi của việc trang bị bình cứu hỏa cho xe, trong khi nhiều người cho rằng việc trang bị bình chữa cháy chỉ nhằm đối phó với cơ quan chức năng thì số khác lại quan ngại về chất lượng của bình chữa cháy sau khi có trường hợp bình chữa cháy phát nổ trong xe.
Vào tháng 4/2020 vừa qua, Bộ Công an sau khi lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư thay thế cho thông tư 57/2015 đã đề xuất bãi bỏ quy định bắt buộc trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ ngồi.
Lan Châu