Trả lời:
Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ như sau:
“1. Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của thông tư này và không vượt quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
2. Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn và không gây cản trở cho việc điều khiển xe, bảo đảm an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
Mặt khác, Tại khoản 5, Điều 3, Thông tư 35/2013/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ có giải thích: “Hàng rời: là loại hàng hóa có dạng cục, hạt, khi vận chuyển được chứa trực tiếp bằng thùng chở hàng của ô tô, không cần bao gói”. Theo đó, xe tải chở vật liệu, xe chở hàng gạch, đá, đất như trường hợp bạn nêu được hiểu là hàng rời. Đối với hàng hóa là hàng rời, khi lưu thông trên đường bộ, phải tuân thủ quy định về xếp hàng rời tại Điều 5, Thông tư 35/2013/TT-BGTVT như sau:
“1. Khi vận chuyển hàng rời, phải sử dụng xe ô tô tải có thùng hoặc container.
2. Trường hợp chở hàng rời trên xe tải không có thùng kín, người vận tải phải sử dụng thiết bị, dụng cụ để che kín hàng hóa, đảm bảo hàng hóa không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển.
3. Hướng dẫn che phủ hàng rời theo hình minh họa tại Phụ lục số 1 của thông tư này”.
Như vậy, các xe tải chở hàng hóa khi tham gia giao thông trên đường bộ ngoài việc phải tuân thủ các quy định tại Điều 15, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ nêu trên, thì đối với mỗi loại hàng hóa còn phải tuân thủ quy định riêng về việc xếp hàng hóa trên ô tô. Đối với các trường hợp Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường sẽ bị xử phạt 1.000.000 – 3.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 20, Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngoài việc bị áp dụng hình thưc xử phạt nêu trên, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Khi nhận thấy hành vi này, bạn có thể báo với các cơ quan chức năng: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Thanh tra giao thông – vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ có thẩm quyền xử phạt; Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao (theo quy định tại Điều 70, Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)