Xe quá tải có thể bị phạt tiền đến 58 triệu đồng
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, xe chở quá tải trọng sẽ bị phạt với tổng số tiền cao nhất lên tới 58 triệu đồng.
Cụ thể, tại điều 14, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về “Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ”:
– Phạt tiền từ 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng đối với xe chở quá tải 10 – 30% (đối với xe xi-téc chở chất lỏng là từ 20-30%).
– Phạt tiền từ 3-5 triệu đối với xe chở quá tải từ 30- 50%;
– Phạt tiền từ 5-7 triệu đối với xe chở quá tải từ 50-100%, tước GPLX 1-3 tháng.
– Phạt tiền từ 7-10 triệu đối với xe chở quá tải từ 100-150%, tước GPLX 2-4 tháng.
– Phạt tiền từ 8-12 triệu đối với xe chở quá tải trên 150%, tước GPLX 3-5 tháng.
Không chỉ xử phạt đối với lái xe, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì chủ xe khi giao phương tiện, hàng hoá vi phạm cũng sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể:
– Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 – 16 triệu đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% – 50%.
– Phạt tiền từ 14 – 16 triệu đồng đối với cá nhân, từ 28 – 32 triệu đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 50% – 100%.
– Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng đối với cá nhân, từ 32 – 36 triệu đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 100% – 150%.
– Phạt tiền từ 18 – 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 36 – 40 triệu đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 150%.
Đồng thời, hành vi xếp hàng hoá lên phương tiện quá tải cũng bị xử phạt rất nghiêm theo điều 28, Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 – 6 triệu đồng đối với tổ chức hiện hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%.
– Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông xe trên 100%
Như vậy, chỉ với việc xe chở quá tải, cả người lái, chủ xe và người bốc xếp hàng hoá quá tải lên xe có thể bị phạt tổng cộng tối đa đến 58 triệu đồng. Đồng thời còn bị áp dụng thêm một số hình phạt bổ sung như tước GPLX, tạm giữ phương tiện vi phạm,…
Chủ xe phải chịu trách nhiệm nếu tự ý thay đổi kết cấu xe
Khoản 2, điều 55 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”
Việc tự ý cải tạo, thay đổi kết cấu xe là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt rất nặng theo quy định tại điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
Ngoài các mức xử phạt bằng tiền, chủ xe còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của xe.
Theo Cục CSGT, Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ ra quân xử lý vi phạm về tải trọng, xe quá khổ và tự ý cải tạo phương tiện theo chuyên đề vừa ban hành. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo kế hoạch sẽ liên tục thực hiện từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2021.