Đối với trường hợp này chúng ta cần phải xem xét việc dùng xe ô tô gia đình chở khách, có nhằm mục đích kinh doanh hay không? Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu khái niệm của kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP:
“Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Phụ lục 4, Luật Đầu tư 2014 thì kinh doanh vận tải đường bộ là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Với loại hình kinh doanh có điều kiện, chủ thể muốn kinh doanh trong lĩnh vực nào phải đáp ứng được các yêu cầu mà pháp luật quy định về lĩnh vực đó.
Đây cũng là biện pháp để hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc’.
Vì vậy, khi dùng xe gia đình để phục vụ cho mục đích kinh doanh vận tải, chủ xe phải tiến hành đăng kí theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo tin tức pháp luật xe hơi, về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Khoản 1, Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải có đủ các điều kiện sau đây:
a. Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;
b. Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ;
c. Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
d. Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải;
đ. Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường”.
Như vậy, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp kinh doanh vận tải hành khách tự do mà không có Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải là vi phạm Luật giao thông đường bộ 2008. Vi phạm này sẽ bị xử phạt hành từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức (theo Nghị định 100).
(Nguồn ảnh: Internet)