Câu hỏi từ bạn: Hải Lâm – Sóc Trăng
Trả lời:
Tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định về các hình thức xử phạt hành chính bao gồm:
“a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.”
Theo đó tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định về hướng dẫn biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính nêu rõ:
2. Việc quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:
a) Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;
b) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này, thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành, thì phải quy định tịch thu.
Như vậy, hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có thể là hình phạt chính cũng có thể là hình phạt bổ sung và việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ nêu trên. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện có thể sẽ bị tịch thu phương tiện giao thông nếu vi phạm các lỗi như sau:
Ví dụ:
Tại Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người tham gia giao thông có hành vi Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng). Ngoài ra bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Hay tại Điều 34 Nghị Định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: bị tịch thu phương tiện (Điểm a khoản 4 Điều 34 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)