Một lần, tôi đưa gia đình về quê đi thăm họ hàng. Khi đang trên đường đi, dù đã chạy với tốc độ cho phép và giữ khoảng cách an toàn với chiếc ô tô phía trước, bỗng dưng chiếc xe này lại phanh dừng đột ngột và buộc tôi phải phanh gấp, nhưng không có va chạm nào xảy ra.
Tuy nhiên, điều không may là một chiếc xe khách cũng bị bất ngờ và đụng vào sau xe tôi, theo quán tính đã đụng vào đuôi xe phía trước, kết quả là xe tôi bị hỏng nặng nhất trong 3 chiếc xe tham gia vào vụ va chạm này.
Sau đó, tôi cũng thực hiện quy trình gọi cho CSGT đến giải quyết và được yêu cầu mời 3 bên về trụ sở làm việc. Tuy nhiên, tài xế xe khách đã chủ động thương lượng với tài xế xe con nên xe con đã về trước. Riêng phía xe khách và tôi cùng ở lại giải quyết như sau: Chủ xe khách sẽ để cho Bảo hiểm của mình làm việc này, cử người đến giám định thiệt hại, rồi hai bên thương lượng, nếu tôi đồng ý thì sẽ làm giấy bãi nại.
Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy chưa ổn thoả vì muốn xe của mình được sửa chữa chính hãng tại TP.HCM nhưng bên Bảo hiểm của xe khách lại yêu cầu đem xe tôi đến sửa chữa ở garage do bên này chỉ định, hơn nữa phía Công an địa phương lại không đồng ý cho thuê đơn vị cứu hộ đưa xe tôi về TP.HCM giám định thiệt hại.
Mong các chuyên gia hỗ trợ giúp tôi vấn đề này.
Chào bạn,
Nếu xảy ra tai nạn với mức thiệt hại mà các bên có thể tự thỏa thuận thì các bên phải lập biên bản về các thỏa thuận bồi thường. Thỏa thuận bằng văn bản là tài liệu để chứng mình cho yêu cầu khởi kiện thiệt hại ngoài hợp đồng theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trong trường các bên không đồng ý thỏa thuận khắc phục hậu quả thì giải quyết theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 307 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.”
Mặt khác, Điều 580 Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định Bảo hiểm trách nhiệm dân sự như sau:
“1. Trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm hoặc cho người thứ ba theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm đối với thiệt hại mà bên mua bảo hiểm đã gây ra cho người thứ ba theo mức bảo hiểm đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người thứ ba thì có quyền yêu cầu bên bảo hiểm phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả cho người thứ ba, nhưng không vượt quá mức trả bảo hiểm mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định.”
Như vây, theo các quy định đã nêu trên, bạn có quyền yêu cầu xe khách chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – bù đắp tổn thất vật chất thực tế khi có đủ 04 yếu tố: Có thiệt hại xảy ra – Có hành vi trái pháp luật – Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật – Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Bên cạnh đó, việc Công ty bảo hiểm yêu cầu bạn đem xe sửa chữa ở garage do bên Bảo hiểm của xe khách chỉ định là không có căn cứ. Bởi vì giữa Công ty bảo hiểm và xe khách là Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới, còn bạn và bên Công ty Bảo hiểm không có mối quan hệ bảo hiểm. Bên xe khách phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra và họ sẽ làm việc với bên Công ty bảo hiểm để thực hiện việc yêu cầu bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm mà hai bên đó đã ký kết.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)