Tôi cho bạn tôi mượn xe máy đi có việc. Bạn tôi vi phạm luật giao thông là đi vào đường một chiều và không đội mũ bảo hiểm, bị tổ công tác tạm giữ phương tiện đến nay đã được một tháng. Xe này tôi mua lại và đã rút hồ sơ gốc để chuyển vùng về quê, nên chưa có biển số và đăng ký xe. Tôi đã làm các thủ tục với cảnh sát giao thông (CSGT), như bàn giao hồ sơ gốc để chứng minh nguồn gốc của xe; viết giấy cam đoan không gây vi phạm trong quá trình sử dụng xe chưa có đăng ký.
Phía CSGT nói chờ xác minh rồi sẽ liên lạc vào số điện thoại của tôi, nhưng hiện đã hơn 1 tháng mà vẫn chưa thấy họ hồi âm. Tôi lên đội CSGT, nơi xử lý vấn đề này, thì họ chỉ bảo chưa xác minh xong và không hẹn cụ thể ngày nào. Vậy luật sư cho tôi hỏi, họ được phép giữ phương tiện trong bao lâu để xác minh? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Trong trường hợp này, bạn của anh/chị đã vi phạm luật giao thông đường bộ với các lỗi sau:
+ Không có đăng ký xe: Điểm a, Khoản 3, Điều 17, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với trường hợp điều khiển xe không có giấy đăng ký xe theo quy định.
+ Đi ngược chiều vào đường một chiều: Điểm i, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
+ Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: Điểm i, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.
+ Không có biển số xe: Điểm c, Khoản 3, Điều 17, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số đăng ký ghi trong giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Khoản 1, Điều 78, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:
“Điều 78. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:
a) Điểm a Khoản 6; Điểm b, Điểm d Khoản 8; Khoản 9; Khoản 11 Điều 5;
b) Điểm b Khoản 5; Khoản 6; Điểm b, Điểm c Khoản 8; Khoản 9; Khoản 10; Khoản 11 Điều 6;
c) Điểm c Khoản 4; Điểm a Khoản 6; Khoản 7; Khoản 8 Điều 7;
d) Điểm d, Điểm đ Khoản 4 (trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện); Khoản 5 Điều 8;
đ) Khoản 5 Điều 11;
e) Khoản 4; Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 5 Điều 16;
g) Khoản 3 Điều 17;
h) Điểm a, Điểm b, Điểm đ Khoản 1; Điểm c Khoản 2 Điều 19;
i) Khoản 1; Điểm a, Điểm c Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều 21;
k) Điểm b Khoản 6 Điều 33”.
Vậy việc tạm giữ phương tiện của anh/chị là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Về thời hạn tạm giữ, khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:
“8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh, nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2, khoản 1, Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
9. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.
10. Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy, bên cơ quan CSGT được phép giữ xe của anh/chị để xác minh, xử lý vi phạm hành chính không quá 60 ngày (việc gia hạn thời hạn tạm giữ phải có văn bản).
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)