Thời gian gần đây, tình hình thời tiết tại khu vực Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc đang diễn ra khá phức tạp. Hàng loạt những đợt không khí lạnh mạnh đang liên tục tràn về khiến chúng ta phải hứng chịu cái rét “cắt da cắt thịt”. Cũng do đó, không chỉ người dễ ốm mà những chiếc xe máy cũng rất có thể bị “ốm” với khá nhiều căn bệnh thường gặp vào mùa lạnh.
Xe máy cũng dễ bị bệnh vào mùa lạnh
Chắc hẳn, việc đi làm buổi sáng sớm của nhiều người đang ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những chiếc xe máy khó đề, khó nổ hay hoạt động giật cục cho cảm giác mất an toàn. Như vậy, những căn bệnh thường gặp này nguyên nhân là do đâu và cách xử lý ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Xe máy khó nổ vào buổi sáng
Trong tình hình thời tiết như hiện tại, với nhiệt độ trung bình trong ngày chỉ khoảng 12 đến 15 độ C thì những chiếc xe máy trở nên khó chiều vào mỗi buổi sáng là điều không ít người mắc phải. Mỗi sáng, có lẽ nhiều người sở hữu xe máy hay đặc biệt là xe máy cũ sẽ phải bỏ ra 5 đến 10 phút để khởi động chiếc xe của mình. Lúc này, chiếc xe sau 1 đêm lạnh lẽo sẽ khó khởi động và khi nổ có tiếng pô không đều.
Le gió trên xe máy số
Nguyên nhân của hiện tượng trên là do khi trời lạnh sẽ khiến nhiên liệu trong xe sẽ bám trong thành xi lanh và bị ngưng tụ, trong hệ thống bướm gió của xe sẽ có trạng thái hỗn hợp nghèo (thiếu xăng) gây ra tình trạng khó khởi động động cơ. Không chỉ vậy, trời lạnh còn làm không khí trong động cơ xe máy bị ngưng tụ thành những giọt nước nhỏ trong chế hòa khí và ống dẫn nhiên liệu nên lượng không khí cần thiết để đáp ứng quá trình khởi động xe bị thiếu hụt.
Hơn nữa, khi trời lạnh, lượng dầu nhớt bên trong những chiếc xe nếu lâu ngày không được thay mới sẽ trở nên đặc hơn. Từ đó dẫn đến khối động cơ phải hoạt động mạnh hơn mới có thể sử dụng được… Về cơ bản, những mẫu xe cũ vẫn sử dụng bộ chế hòa khí sẽ hay mắc phải hiện tượng này hơn so với những mẫu xe sở hữu phun xăng điện tử.
Nên khởi động và làm ấm động cơ trước khi di chuyển
Để khắc phục hiện tượng này, chúng ta có thể sử dụng các bước như sau để tiến hành khởi động xe. Đầu tiên, nếu có thể hãy đóng le gió để lượng xăng cung cấp cho buồng đốt được nhiều hơn để kích nổ giai đoạn đầu cho xe. Sau khi máy đã nổ, giữ nguyên le gió cho động cơ hoạt động khoảng 1 phút để làm ấm rồi sau đó gạt lại le gió. Khi động cơ đã ấm lên, chiếc xe sẽ hoạt động bình thường. Đối với các loại xe số, chúng ta còn có phương pháp khởi động khác là sử dụng cần đạp để kích nổ cho xe, việc này sẽ tránh gây nguy hại tới bộ phận đề hơn so với xe tay ga không có cần đạp.
Xe máy bị giật khi tăng tốc
Với những chiếc xe máy trong thời tiết lạnh giá, sự giật cục của khối động cơ khi mới di chuyển là khá phổ biến. Thế nhưng, hiện tượng này lại có thể do khá nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên, khi xe máy được để không trong khoảng thời gian trên 6 tiếng đồng hồ với thời tiết lạnh giá sẽ rất dễ gây ra hiện tượng lắng dầu, dầu bị đặc quánh. Do đó, khi mới khởi động sau khoảng thời gian dài thì các bộ phận cơ bên trong khối động cơ xe sẽ chưa được bôi trơn đầy đủ, dầu chưa nóng đủ để loãng ra và đưa đến các bộ phận thiết yếu. Chính vì thế, việc sử dụng xe quá gấp gáp trong thời tiết giá lạnh là không nên và sẽ gây hỏng hóc nặng nề cho chiếc xe máy.
Để khắc phục hiện tượng này, chúng ta nên dựng chân chống giữa xe, đề nổ và vận hành xe ở chế độ garanti vào mỗi sáng sớm khoảng vài phút cho khối động cơ ấm lên, dầu mỡ được luân chuyển đều đặn. Sau khi thấy khối động cơ hoạt động bình thường, không bị giật cục khi tăng ga thì chiếc xe đã hoạt động bình thường và có thể sử dụng được.
Nếu như sau khi đã thực hiện đủ các bước trên, chiếc xe của bạn vẫn bị giật khi tăng tốc, di chuyển thì rất có thể vấn đề này còn liên quan đến bộ côn, nhông xích hay khu vực nồi của xe tay ga. Khi này, chúng ta sẽ phải có sự can thiệp của kỹ thuật viên chuyên nghiệp để kiểm tra, thay thế và xử lý nếu cần để đảm bảo an toàn.
Tay phanh, tay ga bị cứng, khó sử dụng
Ở nước ta, cái lạnh thường đi với sự hanh khô khiến nó trở nên “cắt da, cắt thịt”. Cũng vì điều này mà nhiều chiếc xe máy khi sử dụng trở nên khá cứng, không trơn tru ở khu vực tay phanh hoặc tay ga. Nguyên nhân chính của sự việc này là do thời tiết khô khiến dây ga, dây phanh lâu ngày không được bảo dưỡng bị khô khiến bộ phận này bị kẹt, hoạt động không trơn tru. Điều này khiến chiếc xe máy trở nên khá khó chiều và dễ gây tai nạn khi người sử dụng phải dùng nhiều lực hơn khi tăng ga hay bóp phanh, bóp côn.
Nhiều bộ phận bị khô, cứng sẽ dẫn đến xe máy khó sử dụng hơn trong mùa lạnh
Để khắc phục hiện tượng nguy hiểm này, chúng ta cần đưa xe ra các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe uy tín để yêu cầu kỹ thuật viên kiểm tra dây ga, dây phanh (đối với xe sử dụng phanh đùm) hoặc dây côn. Nếu lõi dây và bọc bên ngoài còn mới, hãy thực hiện việc thông dầu dây để bôi trơn toàn bộ đường ống chứa dây và lưu ý, không nên để các loại dây này quá căng sẽ dễ dẫn đến tai nạn.
Xe máy bị trơn, trượt khi vào cua
Hiện tượng xe máy bị trơn, trượt khi vào cua trong mùa đông có lẽ cũng không còn quá xa lạ với chúng ta. Khi tăng ga, đặc biệt với xe mô tô phân khối lớn hoặc xe côn tay thì bộ phận lốp sau rất dễ bị trượt, bai khiến mất an toàn.
Nguyên nhân của sự việc này là do không khí lạnh, khô khiến cho cao su lốp bị cứng lại. Khi mới di chuyển, lốp chưa được làm ấm cùng với mặt đường khô hanh sẽ khiến độ bám của cao su vào mặt đường giảm. Điều này khiến lốp sau của xe dễ bị trơn, trượt khi vào cua hơn so với thời tiết ấm nóng.
Lốp xe trở nên trơn, trượt vào mùa đông
Như vậy, khi mới khởi động xe thì người sử dụng nên di chuyển từ tốn, không sốc ga và hạn chế vào cua ở tốc độ cao. Hãy di chuyển đều đặn với tốc độ vừa phải để đảm bảo an toàn cho chiếc xe cũng như chính bản thân mình.
Tổng kết lại, không chỉ giữ ấm cho cơ thể người điều khiển mà biết cách khởi động chiếc xe vào mỗi sáng trong mùa đông này cũng sẽ giúp chúng ta an toàn, dễ chịu và đỡ tốn tiền hơn rất nhiều. Hãy lưu ý bảo dưỡng chiếc xe của mình một cách định kỳ, thường xuyên để chúng hoạt động êm ái, mượt mà và bền bỉ hơn trong mọi hoàn cảnh.
Kuro