Tôi ở Angola đang chạy Ford Ranger đời 2013, xin hỏi nếu mang về Việt Nam thì thuế phí như thế nào?
Câu hỏi từ bạn đọc: Thế Nhân
Trả lời:
Để mang ô tô từ Angola về Việt Nam thì trước hết phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư 20/2014/TT-BTC. sau đó thực hiện các thủ tục sau:
Thứ nhất: thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô:
+ Bạn Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu như sau:
1. Đơn đề nghị nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô (có xác nhận về địa chỉ thường trú của Công an xã, phường, thị trấn), trong đó ghi rõ nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe và số km đã chạy được: 01 bản chính;
2. Hộ chiếu nước ngoài (có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu trên thị thực rời đối với trường hợp hộ chiếu được cấp thị thực rời) hoặc giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị (có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu): 01 bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực từ bản chính, kèm bản chính để kiểm tra đối chiếu (đối với đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư này);
Hoặc hộ chiếu Việt Nam (có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu): 01 bản sao hộ chiếu có công chứng, kèm bản chính để kiểm tra đối chiếu và giấy tờ chứng minh được phía nước ngoài cho phép thường trú: 01 bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực từ bản chính kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu (đối với đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này);
3. Sổ hộ khẩu thường trú do cơ quan Công an cấp, tại mục: “Nơi thường trú trước khi chuyển đến” trong Sổ hộ khẩu phải ghi rõ địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
4. Giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy hủy đăng ký lưu hành xe ô tô, xe mô tô do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp hoặc nước mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc cấp (khác với nước định cư): 01 bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực từ bản chính, kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu;
5. Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có trị tương đương: 01 bản chính và 01 bản sao (trừ trường hợp nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô qua cửa khẩu đường bộ).
+ Nộp hồ sơ trên tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố đề nghị cấp phép nhập khẩu xe ô tô
Thứ hai: Thủ tục nhập khẩu xe ô tô:
+ Chuẩn bị Hồ sơ nhập khẩu gồm:
1. Giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô: 02 bản chính.
2. Vận tải đơn: 01 bản chính (có đóng dấu treo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô);
3. Tờ khai hải quan xuất khẩu/nhập khẩu phi mậu dịch : 02 bản chính.
4. Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
5. Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe mô tô nhập khẩu (đối với mô tô): 01 bản sao có công chứng kèm bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Thứ 3: Bạn làm thủ tục khai thuế và nộp thuế nhập khẩu xe ô tô theo quy định của Thông tư số 20/2014/TT-BTC
Các loại thuế phải nộp:
1. Thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/08/2010 của Chính phủ..
2. Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trừ các loại xe quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/03/2009 của Chính phủ, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2011/NĐ-CP ngày 8/12/2011 của Chính phủ và khoản 5 Điều 3 Thông tư số 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính.
3. Thuế giá trị gia tăng: Thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)