Thừa lái và thiếu lái là hai hiện tượng mất lái nguy hiểm khi xe ô tô quay vòng, ôm cua ở tốc độ cao hay chạy đường trơn ướt…
Thiếu lái và thừa lái là gì?
Thiếu lái (Understeer) và thừa lái (Oversteer) xảy ra khi người điều khiển không còn kiểm soát được sự di chuyển của một chiếc xe, được gọi chung là hiện tượng mất lái. Khi điều khiển xe trong điều kiện bình thường, vô lăng có sự trùng khớp với vòng quay xe, đúng theo điều khiển của người lái. Đầu và đuôi xe có cùng quỹ đạo (cùng tâm quay vòng). Hiện tượng thiếu lái – thừa lái xuất hiện khi xảy ra tình huống mất kiểm soát lái khi vào cua. Do bánh xe trước hoặc sau bị trượt trên đường làm mất khả năng bám đường của xe, hậu quả là xe không chuyển hướng theo đúng người lái.
Làm sao biết khi xe ô tô bị thiếu lái – thừa lái?
Góc trượt của mặt lốp là yếu tố quan trọng xác định được hiện tượng thừa lái và thiếu lái. Khi xe vào cua, sẽ sinh ra lực ma sát và phản lực với hướng chuyển động trên bề mặt tiếp xúc chính của lốp với mặt đường. Các lực này tạo nên sự biến dạng của vùng tiếp xúc của lốp với mặt đường. Sự biến dạng bề mặt này tạo nên một góc ngược với góc cua của xe. Và góc trượt này được tạo bởi đường biến dạng lốp xe và hướng chuyển động cả xe. So sánh góc trượt mặt lốp giữa hai bánh trước và hai bánh sau, bạn sẽ dễ dàng xác định được hiện tượng là thiếu hay thừa lái.
- Góc trước = góc sau: xe đủ lái
- Góc trước > góc sau: xe thiếu lái
- Góc trước = góc sau: xe thừa lái
Cách khắc phục thiếu lái (Understeer)
Thiếu lái là gì?
Hiện tượng thiếu lái và thừa lái đều xảy ra khi chiếc xe mất độ bám với mặt đường, nhưng khác nhau ở chỗ tùy theo cấu hình dẫn động của chiếc xe mà nó bị mất độ bám ở hai bánh trước hay hai bánh sau. Do đó nguyên nhân, cách khắc phục cũng như điều chỉnh sẽ không giống nhau.
Thiếu lái nghĩa là khi vào cua chiếc xe ô tô không ôm theo ý muốn của người lái, mà có xu hướng đi theo đường thẳng, chệch ra hướng ngược lại của vòng cua. Hiện tượng này là tính chất đặc trưng của các xe dẫn động cầu trước và đa số các xe dẫn động bốn bánh. Khi vào cua quá nhanh, người lái đánh lái tương đối nhiều nhưng xe quay vòng/chuyển hướng rất chậm, quỹ đạo ôm cua không đúng như mong muốn…
Thiếu lái tương đối nguy hiểm khi sẽ khiến chiếc xe chệch hướng, lao sang các làn đường khác và tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thiếu lái sẽ dễ kiểm soát hơn và không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm về các kỹ năng điều khiển xe so với trường hợp thừa lái. Cũng có thể hiểu, xét về phương diện chủ quan, thiếu lái sẽ có phần an toàn dư lái. Đó là lý do các xe dẫn động 4 bánh AWD thường được nhà sản xuất định hướng phần động năng thiên về thiếu lái, mặc dù các xe dẫn động 4 bánh cũng có khả năng bị thừa lái giống các xe dẫn động cầu sau.
Nguyên nhân thiếu lái
Do bánh trước bị trượt không còn khả năng bám đường và vì vậy đầu xe không thể chuyển hướng. Dù điều khiển vô lăng nhiều, bánh trước xoay theo, nhưng do quán tính xe tiếp tục di chuyển phương thẳng hoặc chuyển hướng rất ít, không đáng kể. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu còn là do người điều khiển xe không làm chủ tốc độ và cua không đủ vòng để tạo lực hướng tâm. Điều này dẫn đến bánh trước mất ma sát.
Với những xe dẫn động bánh trước, do bánh trước là nơi chịu lực truyền trực tiếp nên cũng dễ sinh ra hiện tượng trượt cao hơn. Trong lúc xe đang trượt, việc phanh thật mạnh càng đẩy nhanh hơn tốc độ trượt của xe. Khi xe trượt ngang mép cua thì dù bó chặt vô lăng hết cỡ cũng sẽ không có tác dụng.
Khắc phục thiếu lái
Thiếu lái xảy ra là do hai bánh trước mất độ bám với mặt đường. Cách khắc phục tình trạng thiếu lái duy nhất là làm các cách khiến hai bánh trước có thể lấy lại được độ bám. Giảm tốc độ xe khiến bánh xe không trơn trượt, giảm quán tính. Cách tốt nhất để giảm tốc độ trong tình huống này là nhả chân ga để chiếc xe từ từ giảm tốc độ. Không nên phanh gấp trong trường hợp này, vì phanh gấp sẽ xảy ra hiện tượng bó cứng phanh và đưa 2 bánh xe trước trở về trạng thái mất ma sát với mặt đường hay nói cách khác là phản tác dụng.
Ngoài việc nhả chân ga cho xe giảm tốc độ từ từ, cũng nên đồng thời đánh vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng xe cua, không cần chính xác vị trí thẳng lái) để giảm căng thẳng cho hai bánh trước và giúp hai bánh này lấy lại độ bám đường nhanh hơn. Khi cảm nhận xe bắt đầu lấy lại hoàn toàn độ bám với mặt đường thì chúng ta mới bắt đầu đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua.
Sử dụng hệ thống chống bó cứng phanh ABS trong những trường hợp vào cua tốc độ quá nhanh cũng là cách khắc phục rất hiệu quả. Nếu việc giảm tốc bằng cách nhả chân ga tự nhiên không giúp lấy lại độ bám nhanh như mong muốn thì hãy nhấp phanh nhẹ để tăng độ ma sát cho bánh. Lúc đó, ABS phát huy tác dụng, nhận ra hai bánh trước bị trượt và sẽ phân bổ lực phanh về hai bánh sau nhiều hơn nên hai bánh trước sẽ không bị bó dẫn đến tác dụng ngược là mất lực bám.
- Ngay lập tức nhả chân ga.
- Đánh vô lăng về hướng thẳng lái (ngược lại hướng ôm cua). Không cần về hẳn vị trí thẳng lái. Nhấn phanh nhẹ nếu xe có trang bị hệ thống ABS.
- Đánh lái nhiều hơn về phía hướng cua khi đảm bảo chắc chắn rằng xe bắt đầu lấy lại lực bám.
Dư lái là hiện tượng hoàn toàn ngược lại với thiếu lái. Tuy nhiên, hiện tượng này lại khó khắc phục hơn thiếu lái rất nhiều và kiểm soát dư lái cũng là điều không hề đơn giản.
Cách khắc phục thừa lái (Oversteer)
Thừa lái là gì?
Thừa lái (hay dư lái) nghĩa là người đánh lái không nhiều nhưng xe quay vòng/chuyển hướng quá nhanh và đột ngột, nhiều khi sẽ có chuyển động quay ngang và gây lật xe. Hiện tượng xuất hiện khi đột ngột dồn ga vào lúc vừa thoát khỏi chóp góc cua hoặc xe cua quá nhanh, đột ngột nhả chân ga.
Tuy nhiên, trong bộ môn đua xe thể thao, khi lợi dụng hiện tượng thừa lái cùng kỹ năng đánh lái ngược, có thể tạo nên đường drift đẹp mắt. Những xe có tính chất thừa lái thường mất ít thời gian để hoàn thành một khúc cua hơn những chiếc xe có tính chất thiếu lái. Chính vì vậy, bỏ quan yếu tố nguy hiểm nếu di chuyển bình thường, điều này được khai thác triệt để tạo ra lợi thế khi tham gia đua để hoàn thành vòng đua sớm.
Nguyên nhân thừa lái
Nguyên nhân chủ yếu là do khi cua xe, nếu bánh sau bị trượt thì sẽ không còn khả năng bám đường và sẽ trượt thẳng theo quỹ đạo cũ. Tuy nhiên, bánh trước lại đang chuyển hướng theo điều khiển từ vô lăng. Vì thế, đầu xe thì quay vòng/chuyển hướng, còn đuôi xe thì vẫn trượt thẳng. Đầu đuôi xe không cùng quỹ đạo quay vòng.
Di chuyển trong điều kiện đường trơn hoặc vào cua quá gấp, tăng ga sớm, giảm ga hoặc dừng đột ngột ở giữa khúc cua cũng là một nguyên nhân dẫn đến thừa lái. Khi phanh/dừng xe đột ngột, mũi xe chúi xuống, dồn trọng lượng chính lên giảm xóc trước và hai bánh trước. Lúc này, hai bánh sau mất độ bám ma sát, đuôi xe theo quán tính sẽ văng hình vòng cung.
Khắc phục thừa lái
Thừa lái thật sự khó khắc phục hơn thiếu lái rất nhiều và để kiểm soát hiện tượng dư lái là điều không hề đơn giản. Dưới đây là một vài cách khắc phục khi gặp hiện tượng dư lái:
- Giảm tốc độ trước khi phanh (phanh ABS sẽ có tác dụng hiệu quả khi triệt tiêu lực bó).
- Một số hệ thống hiện đại hỗ trợ, khắc phục thừa lái như giảm lực hoặc tác động lực phanh khác nhau lên hai bánh sau.
- Kỹ năng điều khiển vô lăng, điều khiển chân ga và phanh đúng thời điểm là những yếu tố quan trọng giúp khắc phục thừa lái. Khi được kết hợp nhuần nhuyễn, các kỹ năng này sẽ giúp cân bằng tối đa góc biến dạng lốp trước và lốp sau, tăng ma sát bánh sau trên mặt đường và hạn chế phanh gấp khi vào giữa cua.
- Ngoài ra, kỹ năng đánh lái ngược sẽ giúp kiểm soát “văng đuôi” tối đa khi xe vào khúc cua, cân bằng độ bám đường khi trở lại chuyển động thẳng sau đó. Nhìn về hướng bạn xe dự định di chuyển. Đánh lái theo hướng đã định (ngược lại hướng xe ôm cua). Nhấn nhẹ ga, tác động hai bánh sau lấy lại độ bám đường.
Cách đề phòng thiếu lái – thừa lái
Trong điều kiện di chuyển bình thường, xảy ra tình trạng mất lái là khá thấp. Tuy vậy, bạn không nên chủ quan. Sự chú ý là rất cần thiết vì thiếu lái hay thừa lái đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn tránh được những tình huống mất lái nguy hiểm:
- Kiểm tra độ mòn lốp xe, thừa hay thiếu hơi trước khi di chuyển. Nếu độ mòn và hơi lốp đủ theo đúng tiêu chuẩn xe, độ biến dạng sẽ được hạn chế tối đa và sai số trong thiếu hay thừa lái cũng sẽ được giảm thiểu.
- Theo kinh nghiệm lái xe ô tô đường trơn, ướt cần phải chủ động giảm tốc độ.
- Không nên vào cua ở tốc độ quá nhanh hay ôm cua quá gấp.
- Tuyệt đối giữ kiểm soát, tránh phanh gấp hay ngắt hoặc nhấn ga đột ngột khi cua xe, phanh ô tô đúng kỹ thuật. Hiện tượng mất lái nguy hiểm có thể xảy ra sự chuyển dịch trọng lượng bất ngờ giữa phần đầu và đuôi xe.
- Duy trì các hệ thống hỗ trợ ổn định thân xe điện tử như ESP/VSC/VSA/DSC… khi di chuyển (kể cả trong điều kiện đường xá bình thường).
Tuấn Trần