Theo tin tức pháp luật xe ô tô, mới đây Tổng cục Đường bộ đã ra văn bản số 812/TCĐBVN-QLPT&NL để yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe xiết chặt hơn nữa trong việc quản lý đào tạo, sát hạch và cấp đổi Giấy phép Lái xe (GPLX).
Thí sinh mang điện thoại vào phòng thi sát hạch GPLX sẽ bị đình chỉ 5 năm
Mục đích của sự thay đổi trong quy định lần này là để hạn chế tai nạn giao thông xảy ra theo chỉ đạo của Chỉ thị số 24/CT-TTg và Thông báo số 25/TB-VPCP về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam ngày càng có nhiều người nước ngoài và Việt kiều sinh sống. Do đó, Tổng cục Đường bộ cũng nhấn mạnh việc siết chắt quản lý mới trong cấp đổi GPLX lần này là để ngăn chặn sử dụng GPLX không hợp lệ ở nước ngoài đổi sang GPLX Việt Nam.
Theo đó, tất cả các trung tâm sát hạch GPLX cần phải đảm bảo học viên thi lấy GPLX một cách nghiêm túc, đúng thực lực. Không được mang điện thoại di động, thiết bị viễn thông vào phòng sát hạch lý thuyết và lên xe sát hạch trong bài thi sa hình. Nếu thi sinh nào vi phạm quy định này sẽ bị lập biên bản huỷ bỏ kết quả sát hạch, đồng thời bị đình chỉ thi sát hạch trong 5 năm tới.
Bên cạnh đó, các trung tâm phải thường xuyên đảo đề thi trắc nghiệp lý thuyết trên giấy sát hạch đối vưới thí sinh thi lý thuyết lấy GPLX hạng A1 (cho xe môtô từ 50cm3 đến dưới 175cm3), tránh tình trạng học vẹt, kết quả “rỗng”. Trường hợp thí sinh không biết chữ thi lái xe cũng sẽ bị ngăn chặn bằng cách Tổng cục Đường bộ yêu cầu học viên phải khai đầy đủ thông tin, kí/ghi rõ họ tên trong đơn đề nghị học/sát hạch lái xe cũng như trong các biên bản sát hạch lí thuyết, thực hành.
Với những học viên bị trượt sẽ được đăng ký thi lại ở cùng một cơ quan quản lí sát hạch GPLX sau thời gian tối thiểu 01 tháng, tính từ ngày không trúng tuyển để đảm bảo học viên có thời gian ôn luyện.
Tại các trung tâm có sân thi GPLX hạng FC phải nhanh chóng cố định cọc chuẩn và vỉa hè trong sa hình ở các bài thi ghép xe và tiến qua đường vòng vèo, có camera giám sát quá trình thi và phải lưu dữ liệu lại tại trung tâm với thời gian tối thiểu là 01 năm.
Hơn nữa, các cơ quan cấp dưới cũng cần phải báo cáo đầy đủ thông tin về đơn vị đào tạo, sát hạch cũng như quá trình sử dụng GPLX, thâm niên của lái xe…Từ đó để các cơ quan quản lý như Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ có thể tra cứu thông tin chính xác trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng xảy ra.
Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm: sau những chỉ đạo siết chặt công tác đào tạo và sát hạch GPLX, sắp tới cơ quan này sẽ còn đưa thêm các yêu cầu mới đối với theo dõi sức khoẻ định kì của lái xe.
(Nguồn ảnh: dantri.com.vn)