1. Trải nghiệm giao thông
Theo mình thì việc lái xe ở châu Âu không khó. Đầu tiên là vì trải nghiệm giao thông ở đây khá giống với Việt Nam. Hầu hết các biển hiệu, vạch kẻ đều theo chuẩn Công ước Vienna về giao thông đường bộ nên cứ phải gọi là y chang ở nhà ?
Thứ 2 là các nước mình đi qua đều là tay lái thuận nên không phải mất thời gian làm quen lại từ đầu. Và cuối cùng là dân châu Âu họ lái xe rất văn minh, lịch sự, chứ không hổ báo cáo chồn như dân Mỹ, hay theo kiểu “đạp lên nhau mà sống” như quê mình. Thật sự là mình chỉ mất 5 giây để quen với nhịp điệu và trải nghiệm giao thông bên này. Trong khi ở Mỹ thì mình mất phải 2 ngày mới quen với cách chạy của họ, và không bị hố những ngã rẽ trên đường cao tốc.
Dân châu Âu họ ý thức rất cao và tinh tế. Chỉ cần thấy xe mình chạy nhanh từ phía sau lên là họ sẽ chủ động xi nhan tấp qua làn phải để nhường đường cho mình. Còn bọn Mẽo thì đường tao, tao chạy. Mày thích thì mày tự chuyển làn mà vượt, chứ không hề có chuyện ai nhường ai. Bên cạnh đó, biển báo và vạch kẻ ở châu Âu rất rõ ràng, tạo điều kiện cho mình đi đúng luật. Thay vì mập mờ để “bẫy” mình như ở quê.
Nước mình bắt đầu cuộc hành trình là Đức thế nên không thể không nhắc đến trải nghiệm đường cao tốc không giới hạn tốc độ Autobahn. Thật ra chỉ có một số đoạn đường thẳng ngon và đường cong trên đường cao tốc Autobahn thì mới không có giới hạn tốc độ. Những đoạn cua gắt hay vào hầm thì vẫn có giới hạn ở 120 km/h hay 100 km/h.
Lần đầu tiên đi Autobahn mình đã “múc” tới hơn 250 km/h với chiếc Mercedes GLC 43 AMG. Đáng lẽ còn lên được nữa nhưng chợt nhớ xe đang đi lốp mùa đông không phù hợp để chạy nhanh nên thôi 😀
Một điểm nữa anh em nên nhớ: làn ngoài cùng bên trái là làn để vượt. Sau khi vượt xong thì chúng ta phải tấp vào những làn trong bên phải để chừa đường cho người khác có nhu cầu vượt. Chứ mình không được chạy liên tục trên làn ngoài cùng. Ngoài ra, ở châu Âu họ không vượt kiểu loạn cào cào cả trái lẫn phải như dân mình hay dân Mỹ. Nếu vượt bên phải là mình đi sai luật.
Hệ thống giao thông châu Âu có rất nhiều bùng binh và đây là nơi anh em phải cẩn thận. Xe ở đây họ vào bùng binh theo trật tự, tức là lúc nào xe chúng ta cũng phải nhường xe đi từ bên trái nếu họ vào bùng binh trước. Tốt nhất là khi đến bùng binh anh em nên chạy chậm lại. Nếu thấy có xe bên trái vào bùng binh trước thì chủ động dừng lại để nhường đường cho họ. Ở đây xe đi vào bùng binh họ chạy rất nhanh vì họ tự tin chạy đúng luật. Vì vậy xe chúng ta mà lao ra luôn theo kiểu “cảm tử quân” giống như ở Việt Nam thì rất dễ xảy ra tai nạn. Khi xe họ đi qua thì tới lượt mình.
Một phần nữa là đa phần bùng binh ở châu Âu chỉ có một làn và rất hẹp, nên các xe sẽ thay phiên nhau đi qua chứ không thể “trộn” nhiều xe một lúc như ở quê mình. Đừng lo mình bị mất lượt hay ai dành thứ tự đi của mình. Vì dân châu Âu họ ý thức rất cao và tử tế, họ sẽ chủ động nhường cho người đi trước nếu đến sau. Đó là điều mình rất thích khi tham gia giao thông ở châu Âu.
2. Đậu xe
Ở châu Âu không có bảo vệ túc trực ở các tuyến đường hay bãi đậu để thu tiền như Việt Nam mình, mà mọi thứ đều dựa trên tinh thần tự giác. Chính xác tinh thần tự giác ở đây là chúng ta sẽ đến các máy thanh toán tiền đậu xe và nộp tiền. Chứ đừng để bị phát giác đậu xe mà không thanh toán tiền thì lúc đó vừa bị phạt mà còn bị nhục.
Thường thì những máy thu tiền đậu xe trên mặt đường sẽ là loại thu trước. Tức là chúng ta dự đoán đậu trong bao lâu thì chọn khung giờ phù hợp rồi trả tiền. Máy sẽ in ra một cái thẻ thông báo khung giờ mình được đậu là xong.
Thật ra không phải tuyến đuờng nào ở châu Âu cũng thu phí, mà một số tuyến vẫn cho đậu miễn phí trong thời gian ngắn. Thường là khoảng 30 – 60 phút. Mình cũng thấy các xe bên châu Âu hay có tấm bảng đánh dấu giờ xe chúng ta bắt đầu đậu (Arrival Time) ở kính trước như hình bên dưới. Mục đích để cho người khác hay nhân viên an ninh đi kiểm tra biết mình bắt đầu đậu lúc nào và đã đậu được bao lâu?
Trường hợp vào hầm đậu thì chỉ cần lấy thẻ ở cổng vào xong kiếm chỗ đậu và không cần phải thanh toán trước. Bù lại mình thấy mức phí đậu hầm/bãi thường cao hơn đậu ngoài đường.
Khi nào ra thì kiếm cái máy thanh toán như trong hình rồi đút cái thẻ vào là nó sẽ báo giá. Phần thanh toán ở các máy này cũng rất linh hoạt. Trả thẻ, xu, tiền mặt đều chơi tất.
Thanh toán xong, chúng ta vẫn giữ cái thẻ đó để lúc ra thì đút thẻ vào cái máy khác nó mới mở cổng. Đây là quy trình thường thấy ở các bãi xe tự động hoá ở châu Âu.
3. Trạm thu phí
Trong 4 nước mình đi qua đợt này thì có 2 nước không có trạm thu giá hay phí trên đường cao tốc là Đức và Thuỵ Sĩ. Còn Pháp với Ý thì vẫn áp dụng mô hình trạm thu phí như quê mình. Trong đó thốn nhất là trạm đi đường hầm thông qua dãy núi Alps từ Pháp qua Ý, tốn hết 46 Euro/xe.
Có một điểm anh em cần lưu ý. Khi đi qua các trạm thu phí thì anh em nên vào các làn ghi “Ticket”, tức là thanh toán trực tiếp bằng xu hay tiền giấy. Chứ đừng lao vào làn Telepass vàng vàng như hình dưới. Vì làn Telepass là dành cho những xe có gắn thiết bị thu phí tự động.
Việc thanh toán ở các trạm thu giá này đa số đều tự động hoá hết. Ở Ý thì khi vào đường cao tốc chúng ta sẽ lấy một cái thẻ giấy, nhưng chưa trả tiền lúc này. Đến khi ra khỏi đường cao tốc thì mới đút thẻ này vào máy thanh toán ở lối ra và nhận báo giá. Sau khi thanh toán xong xuôi thì cổng mở và tiếp tục đi thôi. Rất đơn giản.
Ở Thuỵ Sĩ không có trạm thu phí đường cao tốc mà họ bán cái thẻ đi đường cao tốc này để dán lên xe gọi là Vignette. Anh em có thể mua tại các trạm xăng hay cửa hàng tiện lợi gần biên giới Thuỵ Sĩ. Một cái thẻ này có giá 40 Franc Thuỵ Sĩ, nhưng mà thời hạn đi được tới hơn 1 năm lận. Tính ra Thuỵ Sĩ thu giá vẫn có tâm hơn Pháp với Ý. Nhưng mà nước hào phóng nhất là Đức vì mình chả thấy trạm thu phí nào, và cũng chẳng phải trả tiền mua cái thẻ đi đường cao tốc lúc di chuyển tại đây.
Hầu như cây xăng nào ở biên giới Thuỵ Sĩ với các nước khác đều có bán loại thẻ đi đường cao tốc (Vignette). Anh em nên chủ động mua cái thẻ này trước khi chạy lên đường cao tốc ở Thuỵ Sĩ. Vì nếu bị phát hiện không có thẻ mà vẫn chạy cao tốc thì mức phạt rất cao.
Phía sau cái thẻ có phần hướng dẫn các vị trí dán bên trong kính xe. Có 3 vị trí tương ứng với 3 dấu mũi tên.
Nhớ là dán bên trong xe nha. Chứ đừng dán ngoài kính xe như mình là sai lắm 😀 Lúc dán mình không thèm xem hướng dấn nên không biết, tới lúc về xem lại hình mới biết mình dán sai. Âu cũng là kinh nghiệm chơi ngu để chia sẻ với anh em biết đường tránh.
4. Tốc độ
Ở châu Âu họ áp dụng hình thức phạt nguội cho việc chạy quá tốc độ xe, chứ không có cảnh sát nấp “bắn” tốc độ và phạt trực tiếp như quê mình. Bạn mình cho biết Thuỵ Sĩ là nước xử lý nghiêm ngặt nhất về vụ chạy quá tốc độ. Thậm chí chỉ lố 2 km/h thôi dũng dính giấy phạt nguội và mức phạt của Thuỵ Sĩ cũng thuộc diện rất thốn. Thế nên dân Thuỵ Sĩ chạy xe rất nghiêm túc và hầu như không thấy những màn trình diễn về tốc độ của các anh hùng xa lộ, hay mấy anh Bimmer :p Thậm chí nhìn mấy chiếc siêu xe chạy tà tà, không dám xào chẻ bên này mà thấy tiếc cho cái xe luôn.
Vì vậy anh em chạy xe ở Thuỵ Sĩ nên cẩn thận vụ tốc độ, cho dù là chạy cao tốc hay trong thành phố. Tốt nhất xe anh em có tính năng giới hạn tốc độ (Limiter) thì nên xài thường xuyên để tránh tình trạng “mát chân ga”.
Bạn mình ở Ý thì cho biết là nên chạy đúng tốc độ ở khu vực trong thành phố. Vì máy bắn tốc độ thường đặt ở nội thị. Còn ngoài cao tốc hay đường xa lộ Ý thì có thể chạy vô tư hơn. Rõ ràng là đường cao tốc Ý chỉ cho tốc độ tối đa là 130 km/h mà mình thấy dân Ý toàn “bào” 150-160 km/h. Tuy nhiên, mình nghĩ tốt hơn hết là anh em vẫn nên đi đúng tốc độ quy định để tránh những rủi ro đáng tiếc. Vì ở nơi xứ lạ quê người mà lỡ xảy ra vấn đề gì thì rất mệt mỏi.
Ở Pháp cũng tương tự bên Ý, dân Pháp ra cao tốc chạy quá tốc độ cả 10-20 km/h là chuyện bình thường. Thật sự là mình hiếm thấy ai chạy đúng tốc độ lắm. Trong 4 nước châu Âu mình đi qua đợt này thì mình thấy mặt bằng tài xế ở Pháp thuộc diện “lụa” nhất. Ai cũng lái xe rất nhanh, mà nhanh theo kiểu cứng chứ không phải ẩu. Mình kinh nghiệm lái xe 10 năm và đi con Crossover hiệu năng cao thế mà chạy đèo ở Pháp bám theo mấy chiếc hatchback bình dân mệt nghỉ luôn.
5. Lưu ý khác
Đầu tiên là anh em nên mang theo Giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế và cả bằng lái xe Việt Nam. Vì GPLX quốc tế chỉ có hiệu lực khi xuất trình cùng bằng lái Việt Nam. Anh em có thể tham khảo thêm ở bài 3 Điều cần biết về Bằng lái Quốc Tế – chỉ có giá trị khi đi kèm Bằng trong nước,…
Tiếp theo là chuyện xăng cộ. Anh em nên tìm hiểu trước những nước mình đi qua từ “Xăng” ghi ra sao. Vì ở Pháp họ gọi xăng là “De l'essence”, còn Dầu là “Pétrol”. Mình mém đổ lộn Dầu vô xe xăng vì đinh ninh “Pétrol” chắc là Xăng. May là tính cẩn thận kiểm tra kỹ lại bằng Google Translate trước khi đổ. Việc thanh toán ở các trạm xăng châu Âu cũng rất đơn giản. Tiền mặt hay cà thẻ đều chơi hết. Đa phần các cây xăng đều có quy trình tự động hoá. Tức là mình đến máy trả tiền cho lượng xăng muốn đổ. Nếu không thì vào trong cửa hàng tiện ích, thông báo số thứ tự cây bơm xăng, cũng như lượng xăng muốn đổ, và trả tiền tại quầy thu ngân để họ kích hoạt từ xa cây bơm xăng. Sau đó là mình tự xử, chứ không ai trực ở trạm bơm để đổ xăng cho mình.
Cuối cùng, hình như ở Thuỵ Sĩ có luật là các xe phải bật đèn cốt liên tục 24/24 khi lưu thông trên đường. Thế nên mình thấy ở đây, cho dù xe cũ hay xe mới, có hay không có đèn chiếu sáng ban ngày DRL vẫn đều bật đèn cốt khi chạy. Những xe quên bật thường đến từ nước khác, nhìn biển số là biết ngay. Anh em nào ở Thụy Sĩ xác nhận vụ này giúp mình với.
Tới đây là mình đã chia sẻ hết những kinh nghiệm cá nhân về việc tự lái trong hành trình 10 ngày, qua gần 3.000 km và 4 quốc gia ở châu Âu. Tuy nhiên, mình biết là vẫn chưa tập hợp đủ vì khối châu Âu còn 24 nước khác và mỗi nước sẽ có một vài điều luật hay phong tục riêng. Anh em còn biết gì thêm thì đừng quên chia sẻ tiếp để mình tổng hợp vào bài này. Xin cám ơn.