1. Lò xo hạ gầm (Lowering Spring)
Món nâng cấp này không chỉ làm chiếc xe bạn đẹp hơn mà nó còn cải thiện kha khá cảm giác lái của chiếc xe. Sở dĩ việc hạ gầm làm xe đẹp hơn là vì đa số các xe zin trên thị trường đều có khoảng cách giữa bánh xe đến hốc bánh lớn. Điều này tạo cảm giác xe cao lêu nghêu không được đẹp. Khi hạ gầm xuống nhìn dáng xe sẽ cân đối và đẹp mắt hơn.
Tuy nhiên, điểm ăn tiền nhất ở việc hạ gầm là nó có thể cải thiện cảm giác lái (handling) tổng thể của xe. Bởi vì hạ gầm sẽ giúp giảm trọng tâm của xe và cũng làm giảm hành trình phuộc nên khi vào cua phản ứng thân xe sẽ chắc hơn. Nói nôm na dễ hiểu là việc vào cua sẽ tự tin hơn. Ngoài ra, nghe có vẻ hơi “dơ” nhưng việc hạ gầm cũng làm vị trí ngồi lái xe thấp hơn và gần với mặt đường hơn nên trải nghiệm không gian nó đem lại cũng gần giống xe thể thao hơn.
Cái giá phải trả thứ 2 là khả năng cạ gầm xe nếu không cẩn thận sẽ dễ xảy ra hơn. Mình hạ gầm xe được gần nửa năm nay thì bị cạ gầm đâu đó khoảng gần chục lần. Tuy nhiên, nó chỉ cạ mấy thanh bảo vệ bên dưới nên cũng không có gì quá nghiêm trọng. Có thể là do bộ lò xo hạ gầm mình hạ tới gần 5-6 cm hơi nhiều. Các bạn có thể chọn những bộ hạ gầm chừng 2-3 cm là đẹp và yên tâm hơn.
Dù có chút bất tiện vì phải lái xe cẩn thận hơn để tránh vụ cạ gầm, nhưng mình vẫn chưa có ý định trở về lò xo zin. Lý do là vì hạ gầm xong xe lái phê quá. Bài học rút ra là nếu bạn chấp nhận một chút bất tiện để đổi lại cảm gíac lái phê hơn thì cứ hạ gầm thôi. À mà việc hạ gầm cũng giúp bạn luyện kỹ năng chạy xe cẩn thận hơn, để sau này có đổi lên xe thể thao hay siêu xe thì cũng không quá bỡ ngỡ.
Những thương hiệu lò xo hạ gầm có tiếng: Eibach, H&R, Tein,…
Chi phí tham khảo: 300-500 $
2. Thanh giằng (Strut Bar)
Đây cũng là một món cải thiện cảm giác lái (handling) khá rõ. Thanh giằng (Strut Bar) hay còn gọi thanh ổn định, làm một thanh cứng nối 2 đầu phuộc trước. Công dụng của thanh giằng là gia cố cho phần đầu xe thêm cứng và đồng thời giảm độ nghiêng thân xe khi vào cua. Nhờ đó 2 bánh trước luôn giữ được độ bám với mặt đường và đem lại độ bám tốt hơn. Ngoài ra, cảm giác vô lăng của xe cũng sẽ đầm chắc hơn và đem lại cảm giác tự tin hơn.
Đa số những xe phổ thông trên thị trường thuờng không có sẵn chi tiết thanh giằng này là để xe êm và ít bị ảnh hưởng những rung động. Tuy nhiên, khi mình gắn thanh giằng lên xe mình thì sự khác biệt về độ êm là rất ít so với trước khi gắn. Thế nên mình nghĩ thanh giằng (Strut Bar) là một trong những món nâng cấp rất nên làm vì sự đánh đổi không nhiều, nhưng hiệu quả lại rất rõ. Trường hợp anh em hay đi đường đèo nhiều thì càng nên gắn thanh giằng bởi vì việc giảm độ nghiêng thân xe khi vào cua cũng giúp người ngồi trong xe đỡ cảm giác say xe do tròng trành.
3. Bầu lọc gió (Air Intake)
Sau khi nâng cấp các món liên quan đến cảm giác lái (handling) chiếc xe xong thì độ tự tin sau vô lăng của anh em sẽ lên vun vút và rồi sẽ thấy sức mạnh của chiếc xe nguyên bản nó không đủ đáp ứng cho mức độ tự tin của anh em nữa. Đó là lúc anh em cân nhắc đến việc nâng cấp phần công suất. Món nâng cấp công suất phổ thông nhất là hệ thống gió.
Bởi vì chiếc xe cũng giống như con người. Khi chúng ta hít thở nhiều hơn, ăn nhiều hơn thì chúng ta sẽ khoẻ hơn. Còn xe thì sẽ cần gió và xăng để có thể cải thiện công suất. Nâng cấp hệ thống lấy gió Air Intake lớn hơn zin sẽ giúp gió nạp vào động cơ nhanh hơn và giảm được một chút ở khoản độ trễ. Ngoài ra, lưu lượng gió đi vào động cơ được cải thiện sẽ giúp tăng thêm công suất ở dải tua máy cao.
Cách đơn giản nhất là anh em thay lọc gió zin theo xe bằng loại lọc hiệu năng cao (High Performance Air Filter) với chi phí chỉ 2-3 triệu đồng. Anh em có thể tham khảo lại ở bài này. Còn loại trong bài này mình chia sẻ là hệ thống bầu gió (Air Intake) thay thế hoàn toàn cho hệ thống nạp gió zin của xe. Về hiệu quả hút gió thì bầu gió Air Intake sẽ tốt hơn nhiều so với loại lọc gió hiệu năng cao. Tuy nhiên, độ ồn của bầu gió Air Intake sẽ lớn hơn đáng kể. Dĩ nhiên chi phí nâng cấp Air Intake cũng cao hơn kha khá.
Các thương hiệu làm bầu gió Air Intake có tiếng: K&N, HKS, AEM,…
4. Pô hiệu năng cao
Ăn nhiều thì sẽ phải “đi ngoài” nhiều, đó là lẽ tự nhiên. Vì thế sau khi nâng cấp bầu gió thì anh em cũng nên thay hệ thống pô hiệu năng cao. Lý do là pô hiệu năng cao sẽ ít có các vật liệu gây cản trở đường khí xả nên sẽ giúp giảm công suất hao phí. Cụ thể là động cơ lúc này sẽ ít tốn năng lượng để đẩy khí thải ra. Đó cũng là lý do mà ống xả độ hay sau khí “móc” pô thường ồn hơn ống xả zin theo xe.
Tuy nhiên, khi gắn pô hiệu năng cao vào thì một số trường hợp công suất xe bị giảm đi so với lúc chưa gắn. Lý do là vì phần mềm quản lý xăng – gió – lửa theo xe đã không còn phù hợp với phần cứng là hệ thống pô chúng ta vừa nâng cấp. Nên để cho đồng độ thì anh em nên làm thêm món nâng cấp thứ 5 sau khi thay bầu lọc gió và hệ thống xả hiệu năng cao.
5. Remap
Remap là việc hiệu chỉnh xăng – gió – lửa cho phù hợp với những thay đổi phần cứng của xe, hay cũng có thể là mở thêm giới hạn công suất của chiếc xe. Thường khi một chiếc xe bán ra thị trường, nhà sản xuất chỉ hiệu chỉnh công suất chíếc xe đạt khoảng 60-80% so với mức tối đa động cơ có thể cho ra. Lý do là để đảm bảo độ bền của động cơ trong thời gian dài.
Việc remap có thể giúp chúng ta khai thác thêm phần công suất đã được các hãng xe “giấu” đi. Với những xe sử dụng động cơ tăng áp (turbocharger) thì tiềm năng khai thác thêm công suất là rất lớn, có thể tăng 20-30% so với mức công suất công bố của nhà sản xuất. Còn với những xe sử dụng động cơ hút khí tự nhiên thì tiềm năng khai thác ít hơn, tăng tầm khoảng 5-15% so với thông số gốc.
Phong trào remap xe hiện nay ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn bắt đầu. Thế nên địa chỉ garage có thể thực hiện được việc này không nhiều. Xe mình thực hiện ở Passio Tuning, một trong những địa chỉ uy tín trong việc thực hiện remap cho xe hơi.