Lái xe ô tô qua phà cần người lái phải thật chú ý và cẩn thận. Chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến những sự cố lớn.
Ở Việt Nam, hiện tại phà (hay bắc) vẫn là phương tiện công cộng phổ biến ở những khu vực miền sông nước Cửu Long, hay ở những khu vực biển nhiều đảo như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Quốc… Trải nghiệm đi phà giữa mênh mông nước không hẳn là dễ chịu đối với nhiều người, huống chi đối với những người đang điều khiển lái xe ô tô qua phà. Có những nguyên tắc an toàn cần nắm rõ khi người lái xe sử dụng phương tiện công cộng này.
Xuống phà và lên bến
Trước khi cho xe ô tô xuống phà và lên bến, cần đảm bảo dây neo phà vào ụ bến đã chắc chắn và có hiệu lệnh của nhân viên bến phà. Xe ô tô chỉ lên và xuống phà với duy nhất người điều khiển bên trong, còn lại người theo xe nên đi bộ xuống phà khi xe đã xuống trước và lên bến trước khi xe lên. Đó là quy định của luật giao thông đường bộ.

Người trên xe nên xuống đi bộ
Điều này nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người ngồi trên xe khi có trường hợp bất ngờ xảy ra với phà. Tuy nhiên, người già yếu, bệnh tật có thể ngồi nguyên trên xe khi phải lên và xuống phà. Dù đã quen với cách lái xe qua phà, người điều khiển xe có thể sẽ khó thoải mái thao tác với xe xuống và lên phà như trên đường bằng, vì các điều kiện có thể bất lợi và khó kiểm soát như phà đông, mép phà không khít với đường dẫn xuống, quá dốc…
Theo kinh nghiệm được chia sẻ với kỹ thuật lái xe qua phà, người lái được khuyến cáo nên lái chéo vào bên trong phà. Phương pháp này giúp cho những phương tiện gầm thấp tránh bị sạt, hư hại gầm hay cản trước và sau. Tuy vậy, phương pháp này sẽ gặp khó khăn nếu khoảng trống phà không đủ hay độ quan sát kém. Cách khắc phục hiệu quả là nhờ sự trợ giúp xi nhan từ bên ngoài.

Nên lái chéo vào bên trong phà
Khi phải tiến hay lùi ở cự ly ngắn ở trên phà, theo nguyên tắc, hãy vê chân côn để xe di chuyển chậm nhất có thể. Đó là một trong những điểm cốt yếu ở kỹ năng lái xe qua phà. Lưu ý khi lên và xuống phà cần giữ khoảng cách an toàn với xe trước để kịp thời xử lý khi có sự cố tụt dốc hoặc chết máy.
Đậu xe trên phà
Tương tự, vẫn theo Luật giao thông Đường Bộ quy định, trong quá trình phà di chuyển, chỉ người điều khiển xe ở lại trên xe cùng người già yếu bệnh tật. Như vậy, khi ở trên phà, người điều khiển xe sẽ làm gì với phanh?

Chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra khi lưu thông trên phà
Một số thực tế cần nắm khi phương tiện ở trên phà như sau:
Phà có thể rung lắc trong quá trình di chuyển bởi tác động dòng chảy của sông hay sóng biển hay do kết cấu của phà. Lúc đến bến, theo quán tính, phà sẽ đâm vào ụ dẫn. Tương tự, xe và đồ vật bên trên phà có thể sẽ dồn về phía trước. Nắm được quy luật di chuyển và trạng thái của phà trong những điều kiện như vậy sẽ giúp người điều khiển xe chủ động với phanh, lái và số.
Nguyên tắc từ kinh nghiệm lái xe qua phà: Để chế độ P và phanh tay với xe số tự động như trường đỗ xe ở đường nghiêng dốc. Lưu ý, chế độ N + phanh tay chưa đủ an toàn, nhất là trong trường hợp rung lắc do sóng, gió lớn làm phà chòng chành. Lưu ý, để chế độ P không làm hư hộp số trong điều kiện rung lắc, vì nhà sản xuất đã tính toán đến điều kiện này. An toàn vẫn là trên hết.
Người điều khiển xe số sàn thì cài số + phanh tay. An toàn hơn, nên trang bị và sử dụng vào lúc này những nêm chèn bánh. Việc cố định chắc như vậy sẽ giúp cho xe tránh đâm đuôi gây hư hại khi có rung lắc hay khi phà đâm vào ụ dẫn khi đến bến.

Chỉ lên bến khi có hiệu lệnh của nhân viên bến phà
Hy vọng với tất cả những thông tin tư vấn cũng như các quy định về giao thông khi lái xe ô tô qua phà như ở trên, bạn có thể tự tin và giữ vững tay lái và kiểm soát tốt tình hình khi lưu thông và có chuyến hành trình an toàn cho mình, người ngồi trên xe và những người xung quanh.
Tấn Dũng