Câu hỏi từ bạn đọc: Đại Nhân- Cần Thơ
Trả lời:
Tại Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động có quy định:
“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.
3. Tai nạn lao động được phân loại như sau:
a) Tai nạn lao động chết người;
b) Tai nạn lao động nặng;
c) Tai nạn lao động nhẹ.
4. Sự cố nghiêm trọng là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động (không bao gồm tai nạn lao động) gây thiệt hại lớn về tài sản của người lao động, người sử dụng lao động.”
Theo quy định nêu trên thì trong trường hợp bạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc thì đó là tai nạn lao động.
Theo đó tại Điều 144 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn như sau:
“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này”
Ngoài việc thanh toán chi phí và bồi thường theo Điều 144 nêu trên thì người bị tai nạn lao động còn được hưởng trợ cấp tai nạn lao động khi thuộc vào các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động:
“1. Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:
a) Tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động;
b) Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn).”
Như vậy, trong trường hợp bạn làm việc cho công ty tư nhân trong nước và được hưởng quyền lợi bảo hiểm đầy đủ và thuộc các trường hợp nêu trên thì khi điều trị, thương tật ổn định, người sử dụng lao động giới thiệu người lao động ra Hội đồng giám định y khoa lao động để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Sau đó bạn thực hiện việc nôp hồ sơ theo quy trình tại Mục 1 Chương III Quyết định 636/QĐ-BHXH có hiệu lực vào ngày 01/06/2016 như sau:
Hồ sơ nộp cho BHXH cấp huyện nơi cư trú bao gồm:
1. Sổ BHXH.
2. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ do người sử dụng lao động lập theo mẫu số 05-HSB (bản chính).
3. Biên bản Điều tra TNLĐ theo quy định.
4. Giấy ra viện sau khi đã Điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp Điều trị nội trú hoặc giấy tờ khám, Điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp Điều trị ngoại trú.
5. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (bản chính).
6. Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
6.1. Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
6.2. Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan Điều tra hình sự quân đội.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)